Giáo dục

Chênh lệch tỷ lệ chọn môn học: Đối diện nhiều hệ lụy

01/08/2024 13:39

Nhiều năm liên tục, thí sinh có xu hướng đăng ký khối Khoa học xã hội (KHXH) cao hơn Khoa học tự nhiên (KHTN).

Thực trạng này khiến nhiều người quan ngại nguồn tuyển cho các trường đào tạo về khoa học, kinh tế, kỹ thuật sẽ hạn hẹp. Cùng đó là sự mất cân đối nguồn nhân lực với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế.

Bên tăng, bên giảm

Tại Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa), cô Hiệu trưởng Hà Thị Thu cho hay, từ năm 2017 đến nay, chưa vượt quá 10 học sinh lựa chọn bài thi KHTN (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học) để tham dự Kỳ thi THPT quốc gia, nay là Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cách đây 2 năm, có 1 học sinh lựa chọn bài thi KHTN. “Năm 2024, toàn trường có 175 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 3 học sinh đăng ký dự thi bài thi này, còn lại 172 học sinh lựa chọn bài thi KHXH để dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng”, cô Thu phân trần.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước, xu hướng học sinh lựa chọn lĩnh vực KHXH khiến nhà trường “đau đầu” trong việc bố trí, xếp lớp đối với lớp 10. “Nếu để học sinh thoải mái, lựa chọn theo ý muốn chủ quan sẽ không có em nào chọn học môn thuộc lĩnh vực KHTN. Vì thế, chúng tôi phải động viên, khuyến khích và tư vấn để phụ huynh, học sinh trước khi tổ chức lớp học cho học sinh đầu cấp”, cô Thu trao đổi.

Tại Yên Bái, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có hơn 8.700 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 90% số thí sinh đăng ký dự thi lựa chọn bài thi tổ hợp KHXH và 10% thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp KHTN. Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết, thí sinh thi bài thi tổ hợp KHTN là 899 em, còn thí sinh thi bài thi tổ hợp KHXH gần 7.800 em.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Thành phố Hà Nội, số thí sinh đăng ký bài thi KHTN hơn 88.236 thí sinh; trong khi đó gần 217.800 thí sinh lựa chọn bài thi KHXH. Trên phạm vi toàn quốc, cả nước có 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 63% thí sinh lựa chọn bài thi KHXH và 37% KHTN.

chenh lech ty le chon mon hoc (2).JPG
ThS Nguyễn Quang Trung tư vấn xét tuyển cho thí sinh. Ảnh: TG

Mất cân đối nguồn lực

Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học ghi nhận, tỷ lệ thí sinh nhập học vào các ngành KHXH và nhân văn tăng mạnh so với các ngành kỹ thuật, công nghệ. “Nhìn vào kết quả đăng ký thi tốt nghiệp THPT cho thấy, lĩnh vực KHXH đang chiếm ưu thế, trong khi số thí sinh lựa chọn KHTN ngày càng giảm”, ThS Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) nhìn nhận.

Thực trạng này có thể dẫn nguồn tuyển các trường đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật bị giảm sút và ngày càng khan hiếm. Nếu tình trạng này tiếp tục tái diễn thì tương lai có thể dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, kỹ thuật có thể phải đối diện với việc thiếu lực lượng lao động có trình độ cao.

“Về cơ bản, nguồn tuyển của Trường ĐH Thương mại không bị ảnh hưởng nhiều vì các tổ hợp xét tuyển chủ yếu liên quan đến Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một phần liên quan đến Vật lý, Hóa học”, ThS Nguyễn Quang Trung cho hay và nhấn mạnh, cần có định hướng và giải pháp để cải thiện bức tranh trên. Năm 2025, Trường ĐH Thương mại cân nhắc và xem xét các tổ hợp xét tuyển phù hợp. Ngoài các tổ hợp truyền thống, trường sẽ nghiên cứu, tính toán có nên sử dụng một số môn như: Lịch sử, Giáo dục công dân để xét tuyển.

Ngày càng có nhiều học sinh yêu thích, lựa chọn các môn KHXH nhiều hơn so với KHTN. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo (Trường ĐH Giao thông Vận tải), đây là băn khoăn của Trường ĐH Giao thông Vận tải nói riêng và các trường kỹ thuật nói chung. Bởi nếu sinh viên của những trường này không có nền tảng về KHTN, khi vào học khối ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ rất khó khăn và kém hiệu quả.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa mong muốn các sở GD&ĐT, trường THPT cần có định hướng về nghề nghiệp, tạo thế cân bằng trong việc học sinh chọn KHTN và KHXH. “Chúng tôi quan niệm, nền tảng công nghệ của quốc gia thì khoa học kỹ thuật đóng vai trò quan trọng. Nếu nền yếu mà muốn lên bước tiếp theo sẽ là thách thức lớn”, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa trăn trở.

Nhìn vào bức tranh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy, học sinh đang nghiêng về lựa chọn bài thi tổ hợp KHXH. So với học sinh chọn bài thi KHTN, tỷ lệ này ở mức 60 - 40. Dự báo, sang năm 2025, tỷ lệ này tiếp tục tăng theo chiều hướng nghiêng về các môn KHXH.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến thực trạng trên. Nhưng ở bối cảnh đất nước đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh chuyển đổi số, thì sự chênh lệch như trên là không thuận lợi, thậm chí mang đến nhiều thách thức. “Trước mắt, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng hình thức xét tuyển sao để tạo thế cân bằng giữa hai lĩnh vực”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhiều học sinh lựa chọn KHXH có thể là do các em không có nguyện vọng học ĐH. Vì thế, các em chọn học KHXH để xét tốt nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, xu hướng này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa nguồn nhân lực ngành nghề. Trong khi nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ rất lớn nhưng nhiều trường khó tuyển sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chênh lệch tỷ lệ chọn môn học: Đối diện nhiều hệ lụy