Tại Lễ tổng kết cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.
Theo Thứ trưởng, trong thời gian ngắn, cuộc thi thu hút trên 80.000 tác phẩm gửi về. Trong thời gian ngắn như vậy, ban giám khảo đã làm việc trách nhiệm, công tâm và khoa học. Từ đó, chọn lựa ra tác phẩm xứng đáng nhất.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tập trung xây dựng văn hoá học đường, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên. Vì thế, cuộc thi nhắm đúng trọng tâm trong giáo dục học sinh hơn bao giờ hết. Số lượng 80.000 tác phẩm dự thi cho thấy, chúng ta luôn có sự hướng thiện, hướng tới sự nhân văn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn cuộc thi ngày càng được lan toả, tiếp tục được tổ chức chất lượng hơn, để thầy cô và mái trường luôn là nỗi nhớ mong của mọi người.
"Tất cả tác giả đều là người chiến thắng. Mỗi tác phẩm là tình cảm, sự tri ân, hồi ức tốt đẹp về thầy cô và mái trường. Mỗi người đặt bút viết về thầy cô và mái trường đều trở nên trong sáng, thánh thiện hơn và có thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình. Đó là thành công lớn nhất", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban giám khảo chung khảo cuộc thi, cho biết: "Mỗi thành viên trong ban giám khảo đều nhận thấy, đâu đó, nhà giáo cũng như nhà trường không tránh khỏi vết thương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hình ảnh đẹp đẽ hiện lên lung linh, trong sự khâm phục của trò, ngưỡng mộ của đời. Mỗi tác phẩm dự thi là minh chứng cho giá trị mà thầy cô và nhà trường dâng hiến cho cuộc đời".
Ông Nguyễn Ngọc Ân bày tỏ sự trân trọng đối với các tác giả, tác phẩm dự thi. Ông nhận định, qua mỗi mùa giải, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều. Đặc biệt, cuộc thi đóng vai trò quan trọng không thể thiếu đối với ngành giáo dục.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, cuộc thi đã tạo tiếng vang lớn và hiệu ứng tích cực trong các nhà trường nói riêng và xã hội nói chung. Từ năm 2019-2022, cuộc thi tiếp tục được tổ chức và thành công vang dội. Như một làn gió thơm, cuộc thi ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút hàng triệu giáo viên và học sinh, sinh viên trên mọi miền Tổ quốc tham gia.
Tại Lễ tổng kết cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhìn nhận, cuộc thi dường như không phải để thi thố về văn chương mà là nơi ghi chép lại những điều tử tế, hy sinh có thực trong đời sống của nhà trường, giáo dục.
Không cần phải là một nhà văn, mỗi thầy cô, mỗi em học sinh của các thế hệ viết về kỷ niệm của mình. Không cứ là nhân vật điển hình, chỉ cần những thầy cô bình dị, chúng ta sẽ có hàng triệu tượng đài bằng chữ viết, những tượng đài có thật sẽ dựng lên bền vững trong trái tim mình, trong trái tim mọi người.
Ông Nguyễn Hồng Thái cũng gửi lời cảm ơn tới ban tổ chức đã phát động một cuộc thi hết sức tốt đẹp, từ đó, giúp gieo mầm, ươm mầm phát triển những cá nhân đang có nhiều đóng góp trong ngành giáo dục; người tốt, việc tốt trong toàn xã hội.
“Rất nhiều câu chuyện cảm động không những truyền tải những hình ảnh đẹp của các thầy, cô mà còn nêu được những tấm gương, truyền cảm hứng cho học sinh... Ngọn lửa trí tuệ, tình yêu thương và lòng tốt đã được truyền tải qua các bài viết. Đạo thầy trò của dân tộc Việt Nam sẽ sáng mãi qua các thế hệ, truyền thống”, ông Nguyễn Hồng Thái chia sẻ.