Cô Thảo cho rằng, nếu học sinh có học lực khá, giỏi, thậm chí học lực trung bình đi nữa thì không có giáo viên nào có thể ép học sinh viết cam kết không dự thi vào lớp 10 cả.
Mong học sinh lựa chọn con đường phù hợp
Với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, sâu sát hoàn cảnh của từng học sinh, cô Thảo hiểu sức học cũng điều kiện kinh tế của từng học sinh để có những tư vấn phù hợp.
“Như năm học trước, có một học sinh hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sức học của em cũng chỉ ở mức dưới trung bình. Chúng tôi biết rằng, em rất khó để theo học 3 năm THPT nên đã gặp phụ huynh để tư vấn cho em theo học một số trường nghề trên địa bàn. Sau đó, em học sinh này nộp hồ sơ theo học tại một trường THPT ngoài công lập. Khoảng nửa năm sau đó, em nhắn tin cho tôi, nhờ cô xin giúp em chuyển sang một trường công lập vì mẹ em không đủ sức để đóng học phí. Em cũng chia sẻ rằng việc học đối với em là khá nặng, em không theo kịp bài giảng của thầy, cô giáo”, cô Thảo chia sẻ.
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau lớp 9, cô Nguyễn Cao Phương Thảo cho biết, mỗi giáo viên chủ nhiệm đồng thời cũng là một tư vấn viên hướng nghiệp, tuyển sinh.
“Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được sở trường, năng lực của từng học sinh. Ngay cả việc chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển cũng được giáo viên tư vấn rất cẩn trọng. Nhưng những tư vấn của chúng tôi cũng chỉ mang tính chất tham khảo, quyết định vẫn là ở phụ huynh. Giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp là vì trách nhiệm với học sinh. Với mong muốn các em chọn được con đường học tập phù hợp với năng lực, chứ không phải quá sức của mình. Sao lại có thể cho rằng giáo viên do áp lực thành tích, nhận 'hoa hồng' tuyển sinh của các trường nghề, trường ngoài công lập được?”, cô Thảo nêu vấn đề.