Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc đại học đa ngành”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục đại học toàn cầu, các cơ sở đào tạo, trong đó có Đại học Kinh tế Quốc dân thì việc tái cấu trúc theo mô hình đại học thông minh và đa ngành là một xu thế tất yếu.
Đi cùng với xu thế đó là những vấn đề mới đặt ra, đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành - một chủ đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các nhà quản lý và giới học thuật.
Vì vậy, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành” được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật và thực tiễn, nơi các nhà quản lý, học giả, chuyên gia và giảng viên cùng nhau trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, vận hành và phát triển Trường Kinh doanh trong mô hình đại học đa ngành.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu đề xuất một trong những nội dung quan trọng cần được thảo luận trong Hội thảo là chiến lược phát triển lâu dài của Trường Kinh doanh, trong đó xác định mũi nhọn phát triển của chiến lược, điều kiện để thực hiện (điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất), quyền tự chủ của trường thuộc Đại học ở mức độ nào,...
Đặc biệt, cần thảo luận về mô hình đào tạo sắp tới của Trường Kinh doanh, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có tác động lớn.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện ban tổ chức Hội thảo đã phát biểu đề dẫn về 6 nhóm vấn đề chính mà các bài tham luận trong kỷ yếu được đề cập cũng như tập trung trao đổi.
PGS.TS Phạm Văn Tuấn cũng cho rằng, trong những năm gần đây, giáo dục đại học trên thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước yêu cầu mới của thời đại số, toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.
Một trong những xu hướng nổi bật là chuyển đổi từ mô hình đại học đơn ngành sang đại học đa ngành, hướng tới xây dựng các trường đại học thông minh, có tính tự chủ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - giảng dạy - đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.
Tại Việt Nam, khi Chính phủ chính thức phê duyệt chuyển đổi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân đã không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, mà còn đặt ra nhiều thách thức mới trong tổ chức bộ máy, quản trị học thuật và định vị thương hiệu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Trường Kinh doanh.
“Trường Kinh doanh, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý và đổi mới sáng tạo, cần có mô hình tổ chức, cơ chế vận hành và chiến lược phát triển phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi và phát triển đại học đa ngành hiện nay.
Việc tái cấu trúc Trường Kinh doanh không chỉ là yêu cầu nội tại của một tổ chức giáo dục, mà còn là xu thế khách quan trước áp lực cạnh tranh quốc tế, nhu cầu thị trường lao động và định hướng tự chủ đại học”, PGS.TS Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.