Binh sĩ Sierra Leone đứng gác ở thị trấn cách thủ đô Freetown khoảng 64km.
Đây là thời điểm Anh tập trung đào tạo quân đội chính phủ Sierra Leone và rút dần khỏi vai trò tiến công. Chỉ trong thời gian ngắn, Anh đã đào tạo khoảng 3.000 binh sĩ Sierra Leone. Các binh sĩ sử dụng vũ khí và cách thức chiến đấu của Anh một cách thuần thục. Lực lượng này không ngần ngại tiến hành các hoạt động quân sự ở khu vực cách xa thủ đô, gieo rắc sự hoảng sợ trong hàng ngũ RUF.
Chính phủ Anh cũng thể hiện rõ quyết tâm giúp quân đội Sierra Leone giành thắng lợi cuối cùng. Sự cam kết của Anh khiến các thủ lĩnh RUF bối rối. Phe nổi dậy không biết Anh sẽ ở lại Sierra Leone trong bao lâu.
Anh cũng từng bước vận động để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý tăng quân tới Sierra Leone. Đến tháng 11/2001, quân số binh sĩ LHQ hiện diện ở Sierra Leone đã tăng lên tới 17.500.
Đầu năm 2002, khi nhận thấy phe RUF đã rệu rã, Anh tác động để chính phủ Sierra Leone chủ động đưa ra đề nghị hòa bình. Các thành viên RUF chỉ cần đồng ý giải giáp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.
RUF cũng được phép thành lập đảng riêng để tham gia tranh cử. Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5/2002, đảng của phe RUF không giành được bất cứ một ghế nào trong Quốc hội. Trong những tháng sau đó, lần lượt các lãnh đạo của phe RUF bị đưa ra xét xử vì những tội ác chiến tranh.
Chiến dịch ở Sierra Leone là lần hiếm hoi phương Tây can thiệp quân sự thành công vào một quốc gia châu Phi.
Một yếu tố quan trọng khác tạo nên kết quả này là sự hỗ trợ lâu dài của Anh. Vương quốc Anh dẫn đầu quá trình cải cách sau xung đột, hợp tác chặt chẽ với chính phủ Sierra Leone. Anh ký các thỏa thuận hợp tác kéo dài 10 năm với Sierra Leone, cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại để quốc gia Tây Phi vực dậy sau chiến tranh.
Anh cũng giúp Sierra Leone xây dựng lực lượng cảnh sát có năng lực trong lĩnh vực an ninh nội địa và cung cấp hỗ trợ quan trọng cho ngành tư pháp.
Tuy vậy, một số nhà quan sát từng đưa ra ý kiến cho rằng, sở dĩ chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair thành công khi can thiệp vào Sierra Leone là nhờ vào "thiên thời địa lợi" và cộng thêm yếu tố may mắn. Ngoài ra, RUF cũng không phải là lực lượng chiến đấu quá đáng gờm. Sierra Leone cũng không phải là một quốc gia có diện tích lớn để tạo ra gánh nặng về quân sự. Sierra Leone có diện tích chỉ gấp khoảng 2 lần diện tích của Bỉ (diện tích của Bỉ là 30.688 km2).
Nhìn chung, Anh đã khéo léo sử dụng vũ lực một cách kịp thời để tạo ra bước ngoặt, sau đó nhanh chóng trao lại vai trò cho quân đội chính phủ và cộng đồng quốc tế.
Điều này khác biệt với các cuộc can thiệp quân sự khác, khi phương Tây không thể chuyển hóa vai trò quân sự sang mục tiêu chính trị.
Trong thời đại mà các cường quốc phương Tây "muốn tạo ra hiệu quả cao nhất, nhưng can thiệp trực tiếp ở mức thấp nhất", chiến lược của Anh phát huy hiệu quả.
Anh cũng giữ đúng lời hứa về các cam kết lâu dài với Sierra Leone. Các cố vấn quân sự Anh chỉ chính thức rời khỏi quốc gia Tây Phi vào năm 2013.
_____________________
Chiến dịch can thiệp quân sự lớn nhất kể từ Thế chiến 2 của Pháp là cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Pháp đã sai lầm ở đâu và vì sao chiến dịch kéo dài 9 năm thất bại? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản 19h ngày 20/8/2023.
XEM THÊM CÁC KỲ
1