Nhà giáo Vương Văn Bằng chia sẻ: Đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp; quy mô phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bỏ học giảm, kỹ năng sống của học sinh người dân tộc thiểu số được tăng lên.
Đưa ra chiến lược và kế hoành hành động cụ thể, bài bản, khoa học và quyết liệt đã và đang đem đến những kết quả tốt đẹp. Năm học 2022 - 2023, chất lượng GD đại trà tiếp tục nâng lên, GD mũi nhọn có nhiều bứt phá.
Số giải học sinh giỏi quốc gia tăng cao so với năm học trước, đội tuyển Yên Bái đứng thứ 5 trong 14 tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh thành trên toàn quốc, tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi đạt giải đạt 53,2% (lần đầu tiên tỷ lệ thí sinh đạt giải vượt 50%).
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng “Trường học hạnh phúc” được chú trọng. Công tác chuyển đổi số được quan tâm triển khai ở tất cả các trường học. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS, xóa mù tiếp tục đạt mức cao và bền vững. Trong năm, tỉnh Yên Bái được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc).
Triển khai Chương trình GDPT 2018 đồng bộ, kịp thời đã đem đến hiệu quả cao trong các nhà trường. |
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đồng bộ, kịp thời. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về đội ngũ để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện kịp thời, đáp ứng được yêu cầu đổi mới; cơ sở vật chất trường, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại và chuẩn hóa. Điều này thể hiện sự nỗ lực to lớn của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái cũng như sự đồng lòng, giúp sức của cộng đồng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ.
Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam đến năm 2030 là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là đích hướng tới của giáo dục Yên Bái, chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&DDT” năm học 2023 - 3024 của Yên Bái, cũng thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học, đồng thời hướng đến những kết quả cao hơn cho những năm tiếp theo. - Nhà giáo Vương Văn Bằng