Theo các chuyên gia giáo dục, sinh viên Ấn Độ không “mặn mà” với giáo dục y khoa trong nước vì hai lý do chính. Đầu tiên, số lượng sinh viên mong muốn trở thành bác sĩ vượt quá số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay tại Ấn Độ.
Khảo sát của Ủy ban Y tế quốc gia Ấn Độ chỉ ra cả nước có 605 trường cao đẳng, đại học đào tạo y khoa với 90.825 tổng chỉ tiêu mỗi năm. Mặc dù con số này có vẻ rất lớn, nó vẫn thấp hơn số lượng thí sinh đăng ký vào ngành y hàng năm. Ví dụ, năm 2021, số lượng người đăng ký là 1,6 triệu.
Bên cạnh đó, chi phí đào tạo ngành y tại Ấn Độ được đánh giá là quá cao so với điều kiện sống của người dân quốc gia. Ước tính, chi phí đào tạo ngành y, kéo dài 4,5 năm, tại các cơ sở giáo dục tư nhân là hơn 131.000 USD (khoảng 2,9 tỷ đồng). Các trường đại học, cao đẳng công lập có mức học phí thấp hơn nhưng số lượng chỉ tiêu thấp, chiếm gần 1/2 tổng chỉ tiêu hàng năm.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Ukranie, Trung Quốc, Nga… đào tạo ngành y tương đối chất lượng với mức học phí phải chăng. Trung bình, sinh viên Ấn Độ chi khoảng 26.000 – 33.000 USD (khoảng 600 triệu đến 800 triệu đồng) cho một khoá học tại nước ngoài.
Đào tạo y khoa tại Ấn Độ vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong những năm gần đây và càng trở nên bức thiết hơn trước tình cảnh khó khăn của du học sinh Ấn Độ tại Ukraine. Trên mạng xã hội Twitter, nhiều sinh viên, chuyên gia giáo dục nước này đã yêu cầu chính phủ cải cách và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục y tế.
Chia sẻ về vấn đề trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thành lập trung tâm y tế, đồng thời kêu gọi chính quyền các bang xây dựng chính sách thu hút đầu tư tư nhân cho giáo dục và y tế. Ông Modi cũng khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và quan tâm hơn nữa cho lĩnh vực giáo dục quốc gia.