Chọn lối vào đời sau cấp THCS

04/07/2023, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trải qua kỳ thi có tính chất bước ngoặt cuộc đời, áp lực với học sinh là không thể tránh khỏi. 

Áp lực này càng lớn khi kết quả không được như kỳ vọng. Nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng, thậm chí có hành vi tiêu cực đáng tiếc. Làm sao để giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Cần bình tĩnh, sáng suốt

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 9, cô Vũ Thị Tuyết Mai, Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy (Thái Bình) thấu hiểu áp lực của học trò trước kỳ thi vào lớp 10. Chuỗi ngày học căng thẳng, kỳ vọng của bản thân và gia đình, thầy cô khiến các em bị ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần. Điều này càng tồi tệ nếu kết quả đạt được không như kỳ vọng.

Trên thực tế, có những câu chuyện đau lòng bởi các em còn nhỏ, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, dễ đi tìm lối thoát tiêu cực. Có thể nói, áp lực không thể tránh khỏi, nhưng để áp lực trở thành động lực thôi thúc các em phấn đấu thì vai trò của gia đình, thầy cô vô cùng quan trọng. Nếu được thầy cô, cha mẹ thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn các em đang đối mặt, mọi áp lực sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Nói về cách đồng hành với học trò, cô Mai cho rằng, ở trường thầy cô nên rèn kỹ năng, kiến thức trọng tâm ngay từ đầu năm học, đa dạng các hình thức ôn tập trong suốt quá trình dạy học, tránh gần thi mới dồn ép. Thầy cô cố gắng tạo không khí vui vẻ, gần gũi trong giờ học, không nên tiết kiệm lời khen. Ở nhà, bố mẹ tránh đem con ra so sánh, chỉ trích; thay vào đó hãy đồng hành, bám sát việc học, thể hiện niềm tin của mình với con; khuyến khích con tranh thủ thời gian tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi và luôn lắng nghe những chia sẻ của con.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, theo cô giáo Trần Thị Hội, Trường liên cấp SenTia (Hà Nội), khi kết quả thi không đạt như nguyện vọng, học sinh không chỉ cần lời động viên mà quan trọng nhất cần một hướng đi. Ví dụ, nếu trẻ trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 thì còn nguyện vọng 2; không vào được trường công lập, hoàn toàn có thể tìm thấy cơ hội ở các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.

Sự đồng hành bình tĩnh, sáng suốt của cha mẹ, thầy cô lúc này là liều thuốc quan trọng nhất để các em không chỉ thấy một cánh cửa đóng lại mà nhiều cánh cửa khác mở ra. Sự đồng hành này cũng cần thiết tương tự với thí sinh trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT không như ý.

“Trẻ rất cần người thân người hiểu mình trong giai đoạn này. Cha mẹ hãy mở lòng trước, lắng nghe và tôn trọng suy nghĩ của các em. Cố gắng đừng chỉ trích, trách móc, đổ lỗi. Nếu vì lý do nào đó không thể trò chuyện, cha mẹ hãy tìm người trung gian phù hợp làm cầu nối, ví dụ thầy cô giáo mà con yêu quý, bạn bè, anh chị con hay trò chuyện.

Nhiều lần học trò tìm đến tôi trong tình huống này, tôi nói với các em: “Một cánh cửa khép lại thì cánh cửa mới sẽ mở ra, chỉ là con chọn tiếp tục hay bỏ cuộc mà thôi. Đây là lúc con cần chứng tỏ bản lĩnh của mình nhất và cô tin con làm được…”. Qua đây càng thấy giáo dục kỹ năng ứng xử trước các tình huống và vấn đề gặp phải cho trẻ quan trọng mức nào”, cô Trần Thị Hội chia sẻ.

Chọn lối vào đời sau cấp THCS ảnh 1

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: Vân Anh

Ngăn chặn từ gốc

Để ngăn chặn từ gốc, hạn chế thấp nhất nguy cơ học sinh bị tổn thương sức khỏe tâm thần sau thi cử, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh cần hình thành cho học sinh thói quen và kỹ năng “vệ sinh sức khỏe tâm thần”; giúp học sinh biết nhận diện sớm các dấu hiệu tổn thương, biết cách ứng xử không kỳ thị với những người bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Cùng đó, học sinh biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ khoa học, phù hợp từ những dịch vụ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Để làm được việc này, cần đưa chương trình giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần vào trường học để nâng cao nhận thức cho giáo viên, phụ huynh. Nội dung chương trình phải đề cập tối thiểu các chủ đề: Sự kỳ thị, hiểu biết về sức khỏe và bệnh tâm thần, nhận diện một số bệnh tâm thần phổ biến, kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp, duy trì và tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tích cực.

Nội dung module “Sự kỳ thị về bệnh tâm thần” giúp khám phá bản chất của sự kỳ thị về bệnh tâm thần, một số quan niệm sai lệch phổ biến và sự thật/các thông tin dựa trên bằng chứng khoa học liên quan đến bệnh tâm thần. Module “Hiểu biết về sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần” giới thiệu về sự phát triển của não bộ, chức năng của não bộ, giúp hiểu cách thức não bộ vận hành, chịu trách nhiệm cho cả sức khỏe tâm thần và thể chất. Qua đó rút ra các bài học giúp cân bằng tâm lý, các chiến lược giúp tập trung, tối đa hóa tiềm năng bản thân.

Module “Nhận diện một số bệnh tâm thần phổ biến” cung cấp thông tin về các rối loạn tâm thần phổ biến, giúp nâng cao kiến thức, hiểu biết về các rối loạn tâm thần để phát hiện sớm. Module “Kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp” cung cấp thông tin cần thiết để tiếp cận các nguồn hỗ trợ có sẵn, phù hợp khi cần. Module “Duy trì sức khỏe tâm thần tích cực và tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tích cực” giúp hiểu tầm quan trọng và điều gì tạo nên sức khỏe tâm thần tích cực và các kỹ năng vệ sinh sức khỏe tinh thần tốt nhất.

Những học sinh rơi vào khủng hoảng tâm lý đều có thể nhận ra thông qua các biểu hiện về hành vi cảm xúc và những hoạt động chức năng hàng ngày. Ví dụ: Tâm trạng buồn bã, lo lắng hoặc trống rỗng; cảm giác tuyệt vọng, bi quan; cảm thấy tội lỗi, vô giá trị, bất lực; mất hứng thú với các hoạt động, sở thích; khó ngủ, thức dậy vào buổi sáng sớm hoặc ngủ quá nhiều; thay đổi trong cân nặng hoặc sự thèm ăn; suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, cố gắng tự tử; bồn chồn, khó chịu…

Cha mẹ cũng có thể quan sát để nhận ra nguy cơ mất cân bằng tâm lý dựa trên hoạt động chức năng bị suy giảm, ví dụ như khả năng tập trung chú ý; năng lực ghi nhớ; khả năng tư duy ra quyết định bị suy giảm… PGS.TS Trần Thành Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn lối vào đời sau cấp THCS