Mới đây, tại Quảng Nam, một giáo viên trường chuyên đã bị sở GD&ĐT kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì đề thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bị trùng với đề cương ôn tập. Trong bản tường trình vụ việc được một số cơ quan báo chí trích đăng, giáo viên này cho biết, khi được trưng dụng ra đề thi, vì trong thời gian ngắn, trình độ có hạn, không đủ khả năng tự nghĩ ra một đề khác đủ để gây khó, thử thách cho học sinh, nên thấy đề nào hay trong ngân hàng đề thi (kể cả ở nước ngoài) thì sửa lại với hy vọng có một đề thi tốt.
Điều này khiến dư luận lo lắng sự việc vẫn có thể lặp lại nếu giáo viên ra đề thi đồng thời là người tham gia bồi dưỡng đội tuyển. Đây cũng là một cảnh báo để các sở GD&ĐT có quy định chặt chẽ hơn đối với nhân sự ra đề thi học sinh giỏi, tránh tuyệt đối hiện tượng “giải đi theo thầy”.
Ví dụ, Quy chế thi chọn học sinh giỏi của tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành tháng 9/2022 quy định khá chặt chẽ: Người tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng đội tuyển môn thi thuộc chương trình thi, khối thi nào thì không được tham gia công tác ra đề, chấm thi, phúc khảo bài thi của môn thi thuộc chương trình thi, khối thi đó (không áp dụng quy định này đối với Hội đồng thi chọn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia). Người tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng đội tuyển thuộc chương trình THPT chuyên có thể tham gia công tác ra đề, chấm thi, phúc khảo bài thi của môn thi thuộc chương trình THPT không chuyên và ngược lại.
Ra đề là việc khó. Ra đề để chọn được học sinh giỏi khó hơn nhiều lần. Do đó, giáo viên không chỉ giỏi, có kinh nghiệm ra đề, mà còn cần được bồi dưỡng, tập huấn bài bản. Ngân hàng đề cũng cần được chú trọng để bảo đảm nguồn đề cho kỳ thi học sinh giỏi hằng năm.