Các nguyên tắc và bước chọn nghề
Chia sẻ về một số nguyên tắc giúp thí sinh lựa chọn nghề nghiệp, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chuyên gia của Viện Tâm lý Việt – Pháp – bật mí: Thí sinh chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân mình. Các em không nên chọn nghề mà mình không đủ điều kiện đáp ứng. Nghĩa là, năng lực bản thân không đáp ứng được các yêu cầu của nghề nghiệp đó; Hay là tính cách không phù hợp với tính chất của lao động trong nghề nghiệp; Hoặc điều kiện, hoàn cảnh gia đình không đáp ứng được với chi phí đào tạo…
Đồng thời, học sinh chỉ chọn khi có hiểu biết đầy đủ về nghề đó. Tức là phải hiểu biết về tất cả điều kiện (môi trường, tính chất, sự khó khăn và những thách thức) khi theo đuổi ngành nghề đó. Cũng không nên chọn nghề khi xã hội không còn nhu cầu.
Vậy làm thế nào để biết xã hội còn nhu cầu về nghề nghiệp ở một địa phương hay một thời điểm nào đó. PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: Thí sinh có thể lên trên mạng và gõ từ khoá nghề nghiệp và xem có bao nhiêu kết quả hiện ra trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc có thể truy cập vào một số website để xem nhu cầu và xu hướng nghề nghiệp được đăng trên đó như thế nào.
Ngoài ra, sĩ tử có thể cập nhật, đọc dự báo về phân tích xu hướng nghề nghiệp trong báo cáo của nước ngoài. Sử dụng mạng xã hội để tối đa hoá sự hiểu biết của mình về ngành nghề và tìm kiếm các cơ hội về việc làm. Cuối cùng, nên chọn nghề đáp ứng được những giá trị cơ bản mà bản thân mình coi trọng và có ý nghĩa.
Nhấn mạnh đến quy trình lựa chọn nghề nghiệp, chuyên gia của Viện Tâm lý Việt – Pháp chia sẻ 8 bước cơ bản gồm: Xác định điều mà bản thân muốn làm. Hãy tự hỏi mình thích làm gì? Giá trị nào có thể mang lại hạnh phúc cho bản thân; Xác định những khả năng mà mình có thể làm tốt; Tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mình mong muốn; Tìm hiểu những tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề, VD: Yêu cầu về sức khoẻ, kỹ năng hoặc yêu cầu đặc biệt khác; Tìm hiểu về những khó khăn sẽ phải đối mặt; Hãy đánh giá và đưa ra sự lựa chọn tối ưu; Tìm hiểu và đăng ký một chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp; Hãy duy trì sự tích cực bằng cách đặt ra mục tiêu và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó, dành nhiều thời gian để trải nghiệm mục tiêu và học hỏi người đi trước.