Tôi không nghĩ vậy. Lí do là bởi các em vẫn buộc phải lựa chọn ít nhất một môn từ cả ba nhóm môn. Ví dụ, học sinh chọn thiên về nhóm môn Khoa học tự nhiên vẫn học ít nhất một môn trong nhóm Khoa học xã hội và một môn trong nhóm Công nghệ & Nghệ thuật.
Theo như cơ chế hiện giờ, học sinh phải đưa ra một quyết định khá quan trọng ngay từ khi mới lên lớp 10. Nhiều người lo ngại như vậy là quá sớm vì nhiều em chưa thực sự hiểu về khả năng và thiên hướng của mình. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trong giai đoạn đầu, công tác tư vấn định hướng trong quá trình đăng kí chọn môn là rất quan trọng. Cả phụ huynh và học sinh sẽ đều cần được cung cấp đầy đủ thông tin chính xác để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Tuy nhiên, về dài hạn, các môn học có thể được sắp xếp linh hoạt hơn, phân chia theo cấp độ thay vì gắn với tên gọi cụ thể của khối 10, 11 hay 12, cho phép học sinh được lựa chọn những môn học khác nhau và thay đổi khi lên lớp trên. Ví dụ, trong năm lớp 10 học sinh có thể chọn học Lịch sử cấp độ I nhưng không nhất thiết phải tiếp tục học môn này ở cấp độ II khi lên lớp 11 mà thay vào đó có thể bắt đầu học Hoá học cấp độ I. Người học chỉ bị giới hạn về số môn tối thiểu phải hoàn thành ở cấp độ cao nhất khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Cơ chế này cho phép học sinh được tiếp cận đa dạng các môn học và giảm thiểu áp lực khi đăng kí môn đầu năm lớp 10.
Đây là cách làm đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nền giáo dục trên thế giới. Tuy nhiên hướng đi này đòi hỏi kế hoạch chuẩn bị trong dài hạn, ngay từ khâu đào tạo giáo viên. Các trường sư phạm sẽ cần nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu tuyển giáo sinh ở các môn học sao cho phù hợp với những chuyển dịch về nhu cầu tuyển dụng ở nhà trường khi triển khai chương trình.
Chủ động và thích ứng
Để chuẩn bị tốt cho năm học tới đây, chúng ta cần làm gì để việc triển khai được hiệu quả, tránh lúng túng và giảm thiểu xáo trộn ở mức thấp nhất, thưa ông?
Trước hết, cần phải nhanh chóng triển khai khảo sát lấy ý kiến nguyện vọng chọn môn của học sinh để chủ động xây dựng thời khoá biểu và chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu của học sinh. Nếu triển khai theo đúng tinh thần nguyên bản của việc lựa chọn môn học, đơn vị lớp trong nhà trường phổ thông trung học sẽ trở thành lớp môn học, thay vì lớp học như hiện nay. Học sinh sẽ di chuyển đến các phòng học khác nhau để học từng môn thay vì giáo viên là người di chuyển như chương trình hiện hành. Mô hình này theo thời gian sẽ tiệm cận mô hình đăng ký lớp theo tín chỉ như ở bậc đại học.
Cách làm này sẽ tạo sức ép tự nhiên để việc dạy và học gắn với thực tiễn hơn. Học sinh khi lựa chọn môn học cũng đã có cân nhắc kĩ lưỡng về năng lực và sở thích, do đó các lớp học giờ đây sẽ có những người học chủ động, tích cực, có đam mê và nhu cầu thực tế đối với môn học. Giáo viên cũng buộc phải có những thay đổi trong công tác chuyên môn giảng dạy để thu hút và đáp ứng các nhu cầu từ phía học sinh. Bên cạnh đó, theo chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn, nhưng các môn thuộc tổ hợp lựa chọn sẽ có xu hướng phân hoá chuyên sâu và chiếm thời lượng cao hơn. Điều này giúp giảm sự xáo trộn về tổng số tiết dạy của giáo viên các môn này so với chương trình hiện hành (do giáo viên tuy sẽ dạy ít lớp hơn nhưng số tiết mỗi lớp lại nhiều lên).
Nhưng dù có chuẩn bị kĩ đến đâu, 108 tổ hợp chọn môn liệu có quá nhiều không, thưa ông?
Vấn đề không nằm ở số lượng tổ hợp nhiều hay ít. Nếu chúng ta vẫn tư duy lớp học theo hình thức niên chế như cũ thì dù chỉ có 10 tổ hợp cũng là quá sức. Nhưng nếu chúng ta áp dụng tư duy theo mô hình lớp môn học như tôi đã giải thích ở trên, chúng ta có các lớp cố định để học các môn còn học sinh sẽ di chuyển giữa các lớp để học. Khi đó số tổ hợp chọn môn nhiều hay ít không còn là vấn đề.
Trên thực tế cần xác định rằng trong những năm đầu triển khai cách làm mới, việc có nhiều trường không thể đáp ứng 100% nguyện vọng của học sinh là điều không thể tránh khỏi, do những hạn chế về nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất. Quá trình chuyển đổi sẽ cần thời gian để nhà trường và học sinh, phụ huynh thích nghi. Nếu điều kiện không cho phép, các trường vẫn có thể tổ chức các lớp tổ hợp được kết hợp sẵn phù hợp với hoàn cảnh của trường và nguyện vọng của đa số học sinh.
Một số biện pháp giúp cân đối số lượng nguyện vọng đăng kí môn học của học sinh mà các trường có thể cân nhắc là áp dụng chính sách ưu tiên theo thứ tự đăng kí, điểm số trong học bạ hoặc điểm thi vào lớp 10 Trung học phổ thông của học sinh. Đối với những môn có tính cạnh tranh cao, có thể áp dụng hình thức nộp đơn đăng kí môn học và phỏng vấn để lựa chọn trên cơ sở động lực, đam mê, năng lực và cam kết học tập của học sinh. Phương thức tuyển chọn này cũng góp phần giúp học sinh suy nghĩ kĩ hơn về thiên hướng của bản thân, từ đó lựa chọn môn học thực sự phù hợp cho mình.
Điều quan trọng nhất, theo tôi, là chúng ta phải vượt qua tâm lý e ngại để bắt đầu. Khó khăn nào rồi cũng có phương án giải quyết nhưng nếu không bước tiếp, thế giới chắc chắn sẽ không dừng lại đợi chúng ta.
Xin trân trọng cám ơn ông!