“Các em chưa nắm chắc phần kiến thức nào sẽ được bổ sung ngay phần đó. Thầy cô cũng tập trung hướng dẫn học sinh cách giải các dạng bài khác nhau, chỉ ra những lỗi sai thường mắc và cách khắc phục. Rèn kỹ năng luyện đề, mẹo giải bài, làm trắc nghiệm, tự đánh giá đúng năng lực bản thân sau khi hoàn thành mỗi câu hỏi, đề thi... Từ đó, mỗi em có sự điều chỉnh phù hợp”, thầy Hồng nói.
Quyết tâm giữ vững thành quả
Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông) năm học này có 6 lớp khối 12, với hơn 240 học sinh. Theo thầy Nguyễn Hữu Đà - Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù đây là năm học chịu sự ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, song ban giám hiệu (BGH) vẫn đặt mục tiêu giữ vững thành quả đã có.
Để nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường chuyên nghiệp, ngay từ đầu năm học trường chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch ôn luyện song song với chương trình học chính khóa. Ngoài ra, trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, với chuyên đề riêng về giải pháp nâng cao chất lượng kỳ thi.
“Thông qua các cuộc sinh hoạt chuyên môn, họp đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình dạy học, ôn tập… giúp BGH, các thầy cô kịp thời nắm bắt những vấn đề phát sinh để điều chỉnh công tác giảng dạy, ôn tập cho phù hợp, hiệu quả, sát với thực tế”, thầy Đà cho hay.
Còn theo cô Nguyễn Thu Thủy, công tác giảng dạy, ôn luyện cho học sinh khối 12 tại Trường THPT Thanh Chăn được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu”, học đến đâu ôn luyện đến đó. Đến thời điểm này, khung chương trình kiến thức lớp 12 cơ bản đã hoàn thành, nên “áp lực” công tác ôn tập giai đoạn tới không quá nặng nề.
Với quyết tâm giữ vững kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học trước, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức 4 lần thi thử, để học sinh có sự cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Sau 2 lần thi thử đã tổ chức, trường xác định có khoảng 20 học sinh nằm trong nhóm nguy cơ trượt tốt nghiệp.
“Từ kết quả thi thử, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trực tiếp giảng dạy từng bộ môn lên kế hoạch chi tiết và phương pháp ôn luyện, củng cố kiến thức cho nhóm học sinh này. Làm sao để giảm dần số học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhắc nhở giáo viên chú ý sắp xếp lịch học hợp lý, kết hợp động viên, khích lệ để các em không bị áp lực, có tinh thần tốt nhất cho kỳ thi chính thức”, cô Thủy chia sẻ.