Bà Phan Diễm Linh, phụ trách Ban hướng nghiệp, Công ty CP Hướng nghiệp Á – Âu, cho biết, tại công ty có 60% học viên đăng ký học nghề từ 22 tuổi trở lên. Sự nở rộ của các mô hình kinh doanh trực tuyến đưa đến cách tiếp cận mới về nghề nghiệp. Chẳng hạn, trước đây, mục tiêu cao nhất mà nhiều nhân sự học nấu ăn hướng tới là vị trí bếp trưởng tại các nhà hàng cao cấp, thì nay người lao động chú trọng vào xây dựng thương hiệu cá nhân. Từ đó họ có thể được giới thiệu cơ hội kinh doanh khác hay làm tự do, không nhất thiết phải nắm giữ một vị trí cố định tại doanh nghiệp nào cả.
Tại thị trường lao động trong nước, việc tuyển dụng dựa trên bằng cấp từng bị chỉ trích là có thể loại trừ không ít ứng viên có năng lực và làm suy yếu hiệu quả tuyển dụng. Do đó, xu hướng mới, được đánh giá về kỹ năng nghề sẽ thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng trên thị trường lao động. Từ đó, đưa đến cơ hội nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt cho nhiều người.
Để nâng cao cơ hội cạnh tranh cho bản thân, nhiều sinh viên hiện nay đã chủ động tìm kiếm việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đơn cử, trường hợp của Nguyễn Huy Bằng, sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đã góp mặt tại nhiều sự kiện tuyển dụng để tìm kiếm việc làm thêm.
Với lợi thế nắm được kiến thức công nghệ thông tin, Bằng đã tìm được công việc bán thời gian là cập nhật dữ liệu data ngay từ năm 2. “Lịch học linh động nên em có thể sắp xếp được thời gian đi làm sớm. Công việc đúng chuyên ngành, kèm theo đó, doanh nghiệp em làm việc cũng khá cởi mở trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng mềm. Nhờ đó, em có thể làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp cũng như rèn luyện tác phong chuyên nghiệp. Đó sẽ là lợi thế của em sau khi ra trường đi tìm việc”, Bằng chia sẻ.
Tương tự, Trương Trần Hồng Ngọc, sinh viên năm 4 ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, hiện là kế hoạch viên dự báo và bổ sung tại một doanh nghiệp ở TPHCM dù chưa tốt nghiệp. Ngọc cho biết, từ năm 3 đã hoàn thành hầu hết các môn nhờ học vượt. Do có thời gian nên cô sinh viên năm cuối này tích cực tìm kiếm các công việc liên quan tới chuyên ngành để nộp hồ sơ.
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI, nhìn nhận: Thị trường lao động đang có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ…
“Đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trau dồi trong quá trình học tập, làm việc và là chìa khóa then chốt tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động”, ông Vân nhấn mạnh.