Chọn việc làm thêm để 'lợi cả đôi đường'

02/11/2023, 08:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để có thể giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt mà gia đình phải chu cấp hàng tháng, nhiều sinh viên đã chủ động đi làm thêm từ năm nhất.

Đi làm thêm là một trải nghiệm thực tế hữu ích giúp sinh viên có thêm thu nhập, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống và công việc sau này.

Tuy nhiên, để có một trải nghiệm đi làm thêm hiệu quả, an toàn TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng: “Trước khi bắt đầu đi làm thêm, sinh viên cần dành thời gian để thích nghi với môi trường sống, học tập ở bậc đại học, cao đẳng.

Các bạn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, đội nhóm nhằm kết nối với bạn bè và tạo dựng các mối quan hệ và học cách thức quản lý thời gian để sắp xếp cuộc sống và việc học tập một cách khoa học. Từ đó, các bạn có tâm lý thoải mái, sẵn sàng cho những thử thách mới.

Bên cạnh đó, sinh viên cần xác định mục tiêu một cách rõ ràng tính mục đích là bản thân muốn gì khi đi làm thêm. Ví dụ: Kiếm tiền để trang trải cuộc sống giảm bớt gánh nặng cho gia đình hay tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng cho ngành học của mình trước khi tốt nghiệp? Khi đã xác định được mục tiêu của việc đi làm, bạn sẽ dễ dàng tìm được công việc phù hợp và có động lực để hoàn thành tốt công việc đó”.

Để không bị sa vào các cạm bẫy trong quá trình tìm việc cũng như đi làm thêm, sinh viên phải tìm hiểu kỹ thông tin về công việc trước khi ứng tuyển như công ty, vị trí, yêu cầu công việc, mức lương, chế độ đãi ngộ... Điều này giúp bạn đánh giá được công việc có phù hợp với mình hay không, tránh bị lừa gạt. Khi đã được nhận vào làm, bạn cần tuân thủ các quy định của nơi làm việc như đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tôn trọng đồng nghiệp, khiêm tốn học hỏi...

“Điều này sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt với cấp trên và đồng nghiệp, đồng thời xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở”, TS Vũ Việt Anh lưu ý và cũng cho biết thêm, nếu tìm việc làm thêm thông qua môi giới, bạn cần tìm hiểu kỹ về công ty môi giới trước khi đăng ký.

Bạn không nên nộp tiền cho bất kỳ công ty nào khi chưa nhận được công việc. Để tránh rủi ro, sinh viên có thể nhờ sự trợ giúp của bạn bè, người thân hoặc lựa chọn các đơn vị tuyển dụng uy tín, thậm chí có thể đến trực tiếp các công ty mình thích để ứng tuyển.

“Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhấn mạnh với sinh viên điều này: Nên lựa chọn công việc làm thêm phù hợp với chuyên ngành mình đang học. Bạn sẽ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, từ đó rèn luyện, nâng cao kỹ năng chuyên ngành mình học, giúp sinh viên có nền tảng vững chắc khi ra trường, mở rộng mối quan hệ, gia tăng cơ hội việc làm”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

“Việc học vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất của sinh viên. Do đó, sinh viên cần cân bằng giữa việc học và việc làm thêm để đảm bảo kết quả học tập tốt. Các em hãy sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành cả hai nhiệm vụ này”, TS Vũ Việt Anh – Tổng Giám đốc Học viện Thành Công nhắn nhủ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chon-viec-lam-them-de-loi-ca-doi-duong-post659527.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chon-viec-lam-them-de-loi-ca-doi-duong-post659527.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chọn việc làm thêm để 'lợi cả đôi đường'