Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

20/04/2024, 06:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…

Với học phần Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, giảng viên tổ chức kiểm tra, đánh giá thông qua các sản phẩm, bài thuyết trình và vấn đáp.

Theo TS Nguyễn Văn Giang, cách tổ chức này giúp sinh viên rèn được tất cả các kỹ năng sư phạm, qua đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học của người giáo viên tiểu học.

Ngoài ra, Khoa Luật và Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum còn tổ chức cho sinh viên thi nghiệp vụ sư phạm như thi giáo viên tiềm năng gồm các nội dung thiết kế bài dạy và dạy học tại trường tiểu học; thi thiết kế học liệu điện tử, xử lý tình huống sư phạm ở trường tiểu học…

Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3, sinh viên sư phạm tham gia trực tiếp hoặc xem các video các buổi thao giảng, sinh hoạt chuyên đề của trường, cụm trường về chuyên môn…

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã đưa quy trình nghiên cứu bài học vào chương trình đào tạo giáo viên gồm 4 bước: Chọn chủ đề và xác định nội dung dạy học; thiết kế và điều chỉnh kế hoạch bài dạy; thực hành giảng dạy và quan sát; thảo luận, phản ánh.

TS Nguyễn Thị Hà Phương - Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm cho biết: “Quy trình này được cụ thể hóa từng bước thực hiện trong quá trình dạy học các học phần phương pháp dạy môn học nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, các bước 1 - 2 - 3 có thể tiến hành lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhóm nghiên cứu bài học, tạo cơ hội cho các giáo viên tương lai rèn luyện các kỹ năng, thao tác để thực hiện các bước dạy học một cách nhuần nhuyễn hơn”.

Sau khi thực hiện quy trình nghiên cứu bài học trong nhóm, theo TS Phương, giảng viên yêu cầu các giáo viên tương lai dạy học trước lớp, có sự tham gia của giảng viên. Từ đây, giảng viên có thể đưa ra góp ý, nhận xét giúp sinh viên sư phạm tiếp tục điều chỉnh, cải thiện kế hoạch bài dạy và năng lực dạy học tốt hơn.

Sinh viên sư phạm (Khoa Luật và Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum) học chuyên đề Các phương pháp dạy học tích cực.
Sinh viên sư phạm (Khoa Luật và Sư phạm, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum) học chuyên đề Các phương pháp dạy học tích cực.

Tiếp sức cho giáo viên tập sự

Thời gian đầu mới đứng lớp, đa phần giáo viên chưa có kinh nghiệm trong kỹ năng xử lý tình huống phát sinh. Cô Đỗ Thị Lê ví dụ trong tiết học có tổ chuyên môn dự giờ có 2 học sinh nói chuyện riêng. Có thể hàng ngày, tình huống này sẽ được giải quyết nhưng vì đang dự giờ, sợ không đủ thời gian nên cô giáo chỉ biểu lộ bằng ánh mắt, hoặc sẽ “bỏ qua”. Thế nhưng, giáo viên nên mời một trong hai học sinh nhắc lại nội dung cô vừa nói. Nếu em không trình bày được thì có thể gọi một học sinh khác trả lời thay và nhắc em cần tập trung hơn.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm: “Khi tiếp nhận giáo sinh thực tập, trong phân công đứng lớp, nếu có nhiều người thì phải chia đều ở các khối lớp nhưng phải tránh khối lớp 1 và lớp 5. Điều này áp dụng luôn cho cả việc phân công giáo viên mới trúng tuyển viên chức.

Khi bố trí lớp học thì phòng học mà giáo viên mới làm công tác chủ nhiệm phải được bố trí ngay bên cạnh lớp của một giáo viên vững chuyên môn, nhiệt tình để có thể hỗ trợ kịp thời các tình huống. Tổ trưởng chuyên môn phải có sự hỗ trợ thường xuyên cả về năng lực dạy học, xử lý các tình huống dạy học, giao tiếp với phụ huynh”.

Cô Đỗ Thị Lê cho biết: “Để hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trẻ, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn tạo điều kiện để họ dự giờ, học tập. Giáo viên có kinh nghiệm và nhất là tổ trưởng tổ chuyên môn chia sẻ, hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, quan trọng nhất là bản thân giáo viên trẻ phải tự ý thức nâng cao chuyên môn của mình”.

Trường Tiểu học Hùng Vương còn đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Theo đó, tổ chuyên môn phân công tiết dạy cho giáo viên. Trước khi dạy, giáo viên phải trình bày kế hoạch dạy học cho tổ, tổ góp ý trước rồi mới lên lớp. Sau khi hoàn thành tiết dạy sẽ tiếp tục góp ý, nhận xét. Việc này, theo cô Lê, không phải giáo viên trẻ mới làm mà tất cả giáo viên trong tổ đều phải tham gia để học hỏi lẫn nhau.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt kiến nghị, các trường sư phạm nên có sự điều chỉnh trong bố trí thời gian kiến tập, thực tập. Theo đó, nên cho sinh viên kiến tập từ năm 2.

“Sinh viên năm 2 - 3 chỉ dự giờ và soạn bài để giáo viên hướng dẫn góp ý, bổ sung. Thời gian kiến tập, thực tập của sinh viên tại các trường phổ thông nên rơi vào đúng các đợt hội giảng của giáo viên. Thường sẽ là tháng 11 hàng năm, để được dự giờ nhiều, tiếp cận được giáo án và tham gia các hoạt động trải nghiệm của học sinh, tăng cơ hội tương tác với phụ huynh”, cô Nguyệt chia sẻ.

Trong xếp hạng của giáo viên có thêm một hạng mục là viết sách, bài báo nghiên cứu khoa học hoặc hướng dẫn thực tập cho giáo sinh. Thế nên, thường thì thầy cô rất nhiệt tình, tận tâm trong hướng dẫn các kỹ năng cho giáo sinh. Đây là một minh chứng để bổ sung trong hồ sơ thăng hạng.

Ngoài ra, giáo sinh còn phản hồi lại với ban giám hiệu nơi tiếp nhận thực tập về quá trình được hướng dẫn. Không phải giáo viên nào cũng được phân công hướng dẫn sinh viên thực tập nên thầy cô sẽ không xem đó là gánh nặng, phải làm thêm việc, mà là một niềm tự hào. - Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chong-soc-cho-giao-vien-tre-post679330.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chong-soc-cho-giao-vien-tre-post679330.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ