Chống thuốc giả: Cần sự chung tay của người tiêu dùng

Hà Phương | 24/10/2023, 06:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Tình trạng thuốc giả, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường ngày càng gia tăng, Bộ Y tế liên tục có công văn thu hồi các sản phẩm gây hại cho sức khoẻ, nhưng người tiêu dùng đã chung tay đẩy lùi vấn nạn đó chưa?

thuoc-gia-2-.jpg
Chống thuốc giả cần sự hợp tác của người tiêu dùng?

Người tiêu dùng mua thuốc tuỳ tiện - "cơ hội" cho thuốc giả tồn tại

Người tiêu dùng với thói quen mua bán thuốc không cần hoá đơn, thậm chí không cần đơn của bác sĩ đã khiến thị trường tân dược nước ta trở thành môi trường thuận lợi cho thuốc giả phát triển.

Hiện nay, hầu hết các loại thuốc tân dược đều có nguy cơ bị làm giả: Từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus…  

Với công nghệ tinh vi, các loại thuốc giả đều có thể được sản xuất với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà bệnh nhân rất khó phát hiện.

Những người bị lừa mua thuốc giả thường là người sử dụng thuốc không phù hợp (tự ý dùng thuốc, mua thuốc không theo đơn) hoặc đang tìm mua thuốc với mức giá rẻ hoặc có chiết khấu.

Việc gia tăng truy cập Internet cùng các phương pháp mới trong sản xuất, phân phối dược phẩm bất hợp pháp đã tạo ra những thách thức cho những nhà quản lý Dược trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng dược phẩm hợp pháp.

Đã và đang xuất hiện hàng ngàn trang web công khai bán thuốc không được chấp thuận, thuốc giả mạo cũng như bán thuốc kê đơn mà không yêu cầu kê đơn hợp lệ…

Bên cạnh đó, lợi dụng thông lệ quốc tế về việc lấy mẫu kiểm tra trước khi lưu hành chỉ áp dụng với các loại thuốc có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt về chất lượng như vaccine, huyết thanh chứa kháng thể, thuốc mới phát minh hoặc thuốc của các hãng sản xuất từng có những vi phạm về chất lượng, những loại thuốc thông thường được các nhóm làm thuốc giả tận dụng khai thác, đặc biệt là những loại không quá đắt tiền.

Tại Việt Nam, do đặc trưng hệ thống phân phối trong nước còn thiếu tính chuyên nghiệp, thuốc phải đi qua nhiều tầng nấc trung gian khiến chi phí phân phối bị tăng lên, khó truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thông tin về người mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ không được lưu giữ một cách thích hợp, việc thực hiện các quy định liên quan đến hoá đơn chứng từ trong mua bán thuốc tại các cơ sở còn chưa thật nghiêm túc, đặc biệt là phân phối thuốc tại các khu vực vùng sâu, vùng xa…

Trong khi đội ngũ cơ quan quản lý và giám sát chất lượng thuốc tại các tỉnh và thành phố vẫn chưa đủ sức bao phủ, đã khiến cho việc phát hiện thuốc giả, thu hồi thuốc kém chất lượng càng trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, nơi tiêu thụ thuốc giả phần lớn là ở các “chợ thuốc” bán buôn, bán sỉ.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng Internet, thay đổi xu hướng tiêu dùng sang hình thức mua hàng online, cùng với nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân đối với các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, cũng là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy sản phẩm thuốc giả tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn.

thuoc-gia-4.jpeg
Người dân cần cẩn trọng khi mua thuốc tránh mua phải hàng giả.

Áp dụng công nghệ xuất nguồn gốc

Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương), để loại bỏ thuốc giả, thuốc nhái, cần có sự chung tay của toàn dân.

Trường hợp người tiêu dùng phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hãy phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường dây nóng cho cơ quan có thẩm quyền để phát hiện và xử lý kịp thời.

Nạn thuốc giả hoành hành gây nguy hại rất lớn cho người bệnh. Khi dùng thuốc giả, người bệnh có thể phải tốn rất nhiều tiền để trả tiền mua thuốc, nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người bệnh vì nghĩ rằng mình đã lâm vào tình trạng “hết thuốc chữa”.

Thuốc giả còn gây khó cho công tác điều trị vì nó có thể làm vô hiệu hoá các liệu pháp điều trị. Trường hợp người bệnh nặng cần phải sử dụng các loại thuốc điều trị, kháng sinh, mà phải dùng thuốc giả, dẫn đến thời điểm vàng để cứu sống bệnh nhân sẽ trôi qua, hậu quả bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí có thể tử vong.

Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, dược chất kém chất lượng do quy trình sản xuất bằng phương pháp thủ công, người sản xuất pha trộn thêm nhiều loại tạp chất khác, thậm chí có thể lẫn cả chất độc, thì người dùng thuốc có thể tử vong.

Ông Lê Văn Tuyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng: Các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.

Thuốc là sản phẩm đặc biệt, liên quan tới sức khẻo con người. Do đó, cần kiên quyết loại bỏ những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng để bảo vệ sức khoẻ người dân. Người dân cũng nên nêu cao cảnh giác với thuốc giả, thuốc nhái, nhất là với những sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối liên quan đến các sản phẩm trên ngừng ngay việc phân phối, lưu hành thuốc; thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã mua thuốc dừng phân phối, sử dụng và trả về cơ sở cung ứng.

Cùng với đó, cung cấp thông tin và phối hợp với sở y tế các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc truy tìm nguồn gốc đối với các sản phẩm.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống thuốc giả: Cần sự chung tay của người tiêu dùng