Trần Xuân Bách - cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế năm 2022, Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế năm 2023 cùng dãy dài thành tích xuất sắc vừa trúng tuyển vào Đại học Chicago, một trong những đại học danh tiếng nhất nước Mỹ với học bổng toàn phần.
Bách cho biết, tình yêu môn Tin học bắt đầu từ năm lớp 6 khi em được tham gia trại hè của thầy Hồ Đắc Phương - phụ trách môn Tin, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên giảng dạy về ngôn ngữ lập trình C++; trên trang web của thầy chứa nhiều bài tập cơ bản về lập trình và thuật toán.
Khi đó em đã có nền tảng toán vững chắc nên ngay lập tức có thể khám phá về ngôn ngữ và thuật toán. Sau đó em được học cùng đội tuyển tin Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với anh chị khóa trên để tìm hiểu sâu hơn môn Tin học.
Về bí quyết học tập, Bách cho rằng quan trọng nhất là tự học. Môn Tin học khá dễ so với các môn Vật lý, Hóa học. Hầu hết tài liệu của môn Tin học đều có trên mạng nên điều quan trọng là tự học cùng khả năng tìm tòi các bài tập, tài liệu bằng tiếng Anh.
Chị Hoàng Kim Anh - mẹ Bách tự hào kể về con trai: Từ nhỏ, Bách đã ham học và có khả năng tự học tốt nên gia đình thường mua sách Toán để con tự làm. Lớp 5, Bách giành Huy chương Vàng Toán Violympic cấp quốc gia, được đặc cách thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương và đạt điểm cao nhất đoàn Việt Nam Lên THCS, Bách chuyển hướng sang Tin học.
Vì quá say mê, Bách thường dậy lúc 5 giờ để tranh thủ tìm hiểu tài liệu, mày mò tự học. Sau đó, Bách đầu quân vào lớp chuyên Tin, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và liên tiếp lọt đội tuyển quốc tế, được đi thi và đạt thành tích cao với nhiều huy chương Olympic khu vực và quốc tế.
Tháng 6/2023, Trần Xuân Bách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thay vì nộp đơn vào các đại học hàng đầu, Bách quyết định gap year (tạm dừng học) một năm để tập trung cho kỳ thi Olympic Tin học quốc tế và có thời gian chuẩn bị hồ sơ kỹ hơn. Gần một năm qua, Bách đã trang bị thêm các kỹ năng, kiến thức tin học và viết bài luận.
Được biết, ngoài nộp hồ sơ vào Đại học Chicago ở kỳ xét tuyển sớm, Bách còn ứng tuyển vào Học viện Công nghệ Massachusetts ở kỳ tuyển sinh thường. Mọi kế hoạch được tính toán theo lộ trình đề ra nên em hoàn toàn chủ động.
Tháng 8/2024, Trần Xuân Bách sẽ đến Đại học Chicago, theo học ngành Khoa học máy tính để tiếp tục nối dài đam mê. Đây là món quà tuyệt vời Bách tặng bản thân sau thời gian dài nỗ lực không mệt mỏi, đồng thời là lời cảm ơn gửi đến bố mẹ, gia đình và thầy cô đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng em.
Trần Xuân Bách chụp ảnh cùng bố mẹ. Ảnh: Lan Anh |
3 năm học tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Vũ Ngô Hoàng Dương đã đạt được thành tích đáng nể với Huy chương Bạc Olympic Vật lý phân tán quốc tế, Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á và Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Vượt qua các kỳ thi chuẩn hóa SAT và TOEFL, Dương trúng tuyển Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
“MIT là trường công nghệ số một thế giới, niềm mơ ước của các bạn trẻ đam mê khoa học. Nơi đây đào tạo nhiều nhà khoa học lớn, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực khoa học. Em mong có thể trở thành thành viên của MIT để được tiếp xúc, làm việc với những giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực mình yêu thích. Qua đó, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy của bản thân”, Dương chia sẻ lý do chọn MIT.
Hoàng Dương cho biết gia đình em không ai làm việc liên quan tới chuyên ngành Vật lý. Mẹ em làm công ty tư nhân về thiết bị máy móc, bố làm việc liên quan tới lĩnh vực vận tải. Do đó, những kiến thức của em do thầy cô bồi đắp trong quá trình học tập cùng sự đồng hành của bố mẹ.
Nhắc đến sự đồng hành của bố mẹ trong hành trình học tập, Hoàng Dương xúc động kể, gia đình đã từng ở những khu nhà trọ tồi tàn, nơi mà mẹ hay nói đùa “đó không phải là khu nhà ổ chuột mà là nhà dưới ổ chuột theo đúng nghĩa đen”, vì mỗi khi đêm xuống, chuột lại chạy ầm ầm trên trần nhựa tồi tàn.
Cuộc sống khó khăn đến mức có lúc Dương sốt hơn 41 độ, bác sĩ yêu cầu nhập viện cấp cứu nhưng nhà em không có đủ tiền đóng viện phí. Nhưng trong điều kiện sống khó khăn đó, Dương được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ. Từ nhỏ, em đã trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, luôn biết thích nghi với hoàn cảnh để bố mẹ đỡ vất vả.
Hành trình học môn Vật lý của Dương thật nhiều thử thách nhưng chứa đựng biết bao điều thú vị. Song song với chương trình học trên lớp, mỗi tuần em đều đến phòng thí nghiệm học kiến thức và thực hành. Em học thêm kiến thức Toán, và bắt đầu học Vật lý bằng tiếng Anh cũng như khai thác về Vật lý từ nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh.
Kể về con trai, chị Ngô Thị Hà - mẹ của Dương cho biết, từ nhỏ, Dương luôn hứng thú với hiện tượng tự nhiên. Khác với những đứa trẻ thường sợ hãi mỗi khi trời mưa sấm sét, Dương thích thời tiết như vậy vì mỗi khi mưa, Dương lại cảm nhận được sức mạnh của tự nhiên, ngắm những tia chớp chói lòa, tiếng sấm và sét, thích thú, tò mò muốn khám phá sức mạnh đó từ đâu đến.
Ngay khi biết đọc, khoảng 3 - 4 tuổi, Dương đã yêu thích các cuốn sách viết về đề tài khoa học dành cho thiếu nhi. Và từ đó, em liên tục đặt ra câu hỏi với mọi người xung quanh, đặc biệt là với mẹ. Mẹ đã dùng những hình ảnh, ngôn từ gần gũi với trẻ thơ giải thích cho Dương. Từ những hiểu biết sơ khai như vậy, Dương có thể hiểu và lý giải những hiện tượng xung quanh.
Thầy Nguyễn Công Toản - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho hay, nhắc đến Hoàng Dương, không thể quên hình ảnh học sinh chăm chỉ, say mê trong mỗi bài thí nghiệm và ở lại phòng thí nghiệm cho đến khi đóng cửa. Sự chăm chú, tò mò, ham hiểu biết của Dương đã gây ấn tượng đối với các thầy cô trong trường. Thành tích mà Dương đạt được là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của em trong quá trình học tập.