Khi được hỏi, nếu sau này ngành nghề kinh doanh karaoke được trở lại hoạt động bình thường, ông có muốn quay lại với nghề không? Ông Hùng lắc đầu ngao ngán: “Không, ở tuổi này rồi tôi cũng chỉ mong bản thân có thể vui vẻ. Bây giờ điều tôi nghĩ đến là làm sao trả hết được đống nợ của mình, tôi cũng không còn tiềm lực kinh tế để nghĩ đến chuyện quay lại với nghề”.
Hàng loạt chủ đầu tư karaoke tại Hà Nội lâm vào cảnh khốn cùng do phải dừng hoạt động quá lâu. (Ảnh: Công Hiếu)
Tương tự ông Hùng, ông Trần Khắc Kiên (tên nhân vật đã thay đổi – PV) chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy đã phải trả mặt bằng, tuyên bố phá sản chỉ sau 3 tháng cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động.
Sau đại dịch, ông Kiên cũng vay mượn số tiền hơn 3 tỷ đồng để sửa chữa quán. Tiền lãi ngân hàng mỗi tháng đẩy mức chi phí duy trì cơ sở kinh doanh karaoke lên tới gần 200 triệu đồng, trong khi cả gia đình ông trông chờ vào mức thu nhập từ đây. Việc quán phải dừng hoạt động đã đẩy cuộc sống của ông Kiên rơi vào bế tắc.
“Mới hoạt động lại sau dịch chưa được 2 tháng, khách còn chưa kịp quay lại, thu nhập mỗi tháng chỉ đủ duy trì kinh doanh. Ngay những ngày đầu phải dừng hoạt động, cuộc sống gia đình tôi đã ngay lập tức bị đảo lộn”, ông Kiên chia sẻ.
Theo ông Kiên, những ngày phải dừng hoạt động, thu nhập không có, cả gia đình 4 người của ông lâm vào cảnh khó khăn phải đi vay mượn từng người để lấy tiền duy trì sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, những mâu thuẫn gia đình cũng nảy sinh, gia đình ông đã đứng trên bờ vực tan vỡ do những mâu thuẫn sinh hoạt ngày càng lớn.
Cực chẳng đã, ông Kiên tuyên bố phá sản, trả mặt bằng kinh doanh, đồng thời bán thêm cả căn hộ chung cư mới mua của mình để trang trải nợ nần.
“Với việc bị dồn vào đường cùng, tôi không thể cầm cự quá 3 tháng. Từ việc đầu tư tiền tỷ vào cơ sở kinh doanh chỉ mấy tháng trước, tôi nhanh chóng lâm vào cảnh tán gia bại sản. Sau khi trút bỏ được gánh nặng hàng trăm triệu đồng để duy trì cơ sở kinh doanh mỗi tháng, đồng thời trang trải nợ nần, tôi mới có thể giữ lại được thứ tài sản cuối cùng là gia đình của mình”, ông Kiên cay đắng nhớ lại.
Sau khi bán đi căn hộ đang ở, gia đình ông Kiên phải dọn về ở nhờ ngôi nhà của anh trai. Để duy trì cuộc sống hàng ngày và trang trải nợ nần, ông Kiên phải làm đủ mọi công việc để có thể kiếm thêm thu nhập. Từ việc đang có thu nhập cao khi kinh doanh karaoke, ông Kiên không ngờ bản thân lại rơi vào cảnh khốn cùng trong thời gian ngắn đến vậy: “Chẳng bao giờ có thể nghĩ đến, hơn 10 năm làm nghề của tôi lại kết thúc theo cách này”.
Ông Nguyễn Đăng Sỹ xót xa khi cơ sở kinh doanh của mình đã tốn gần tỷ đồng tiền duy trì, sửa chữa vẫn chưa được mở cửa trở lại. (Ảnh: Thành Lâm)
Không chỉ thiệt hại về kinh tế, những ngày gần đây, giới kinh doanh karaoke tại Hà Nội còn buồn bã bàn tán về câu chuyện xót xa của một người cũng từng là ông chủ karaoke. Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ cơ sở kinh doanh karaoke số 16 Nguyễn Khang kể: “Mất cả người rồi chú ạ, ông em làm chủ đầu tư 4 cơ sở kinh doanh trên đường Trần Duy Hưng mới đây đã tự kết thúc cuộc sống vì áp lực nợ nần. Thật sự, những người làm karaoke chúng tôi đã lâm cảnh cạn vốn. Còn dừng hoạt động thêm ngày nào là sức lực chúng tôi cạn kiệt thêm ngày ấy. Bỏ cũng không thể bỏ được, bởi tiền, bởi công sức và hy vọng của mình đều nằm ở đấy cả rồi. Mong sao cảnh mòn mỏi chờ đợi này sẽ sớm kết thúc. Ở trong TP.HCM, các quán cũng đã được hoạt động trở lại, còn ở Hà Nội thì vẫn chưa biết đến bao giờ..”.
Mới đây, ngày 25/4, Công an TP Hà Nội có văn bản số 3092/CAHN-PC07 do Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội ký về việc triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo PCCC theo hướng dẫn của C07 (Bộ Công an).
Tại văn bản này, Công an TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị công an quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá các điều kiện an toàn PCCC của từng cơ sở theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn về PCCC tương ứng thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động. Trên cơ sở đó chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiến nghị cơ sở thực hiện khắc phục theo hướng dẫn.
Trường hợp cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC để phù hợp với thiết kế được thẩm duyệt, đảm bảo theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được đưa vào hoạt động thì không xem xét là cải tạo; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD.
Với cơ sở có tồn tại về PCCC khó khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động thì hướng dẫn cơ sở áp dụng các quy định theo quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng có lợi để cơ sở có thể khắc phục; không yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Chủ cơ sở tổ chức khắc phục và báo cáo kết quả để đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác nhận.