Chủ shop online muốn “giải nghệ”, tố loạt khách VIP chốt đơn vài năm vẫn “quên” trả tiền

02/08/2023, 14:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

"Bán hàng đông khách chốt đơn vui thật, nhưng sợ nhất là chốt đơn và phục vụ chu đáo nhưng khách “quên” cả tháng, thậm chí cả năm không trả tiền."

Chị Thảo Dikson, chủ shop chuyên bán hàng hiệu xách tay như túi xách, váy, giày dép, kính, đồng hồ, nước hoa,… chia sẻ: "Mình chuyên nhận đặt hàng săn sale các sản phẩm hàng hiệu cho khách. Thông thường, với người lạ thì mọi người đặt cọc một phần, khi nào nhận hàng thì thanh toán; với những khách quen thì mình giao hàng sau đó khách chủ động chuyển khoản. Tuy nhiên, khá nhiều người không biết quên hay cố tình quên mà không trả tiền cho shop, dù mình nhắn tin nhắc nợ nhiều lượt mà họ vẫn “quên” và hồn nhiên sử dụng đồ mỗi ngày."

Chủ shop online muốn “giải nghệ”, tố loạt khách VIP chốt đơn vài năm vẫn “quên” trả tiền - 1

Nhiều người bán hàng bức xúc vì khách mua hàng cố tình "quên" trả nợ

“Mới đây nhất là một chị khách trẻ, rất biết cách dùng đồ hiệu nhưng lại không muốn trả tiền. Chị đặt mua kính, sau khi mình gửi hàng chị khách đã nhận và còn đăng mạng xã hội khoe kính mới, nhưng lại nhất định quên thanh toán tiền” - chị Thảo nói thêm.

Chung cảnh ngộ, chị Lê Thị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) - chuyên bán thực phẩm Nga xách tay cũng chia sẻ: Có rất nhiều khách, làm nơi này nơi nọ rất có vị thế, đi xe sang, ở nhà xịn, ra ngoài chém gió ầm ầm... vậy mà nợ chị tiền tới mấy năm trời không trả.

“Có một chị khách là người quen của chồng, Khi mình gọi điện nhắc nợ còn trịch thượng nói, để đó lúc nào rảnh sẽ chuyển. Rồi chẳng thấy lúc nào họ rảnh. Hơn hai năm sau, mình đành nhờ chồng hỏi khéo, thì nghe giọng: "Có chút tiền mà cả hai vợ chồng giục", nhưng rồi vẫn không trả” – chị Ngọc nói.

Chị Huệ, một người chuyên bán online hải sản khô, các loại mắm tép, tôm chua, tôm nõn, mực,…đặc sản từ quê nhà Nghệ An cũng phải ngán ngẩm vì cảnh nợ đọng của khách, dù số tiền không nhiều chỉ vài chục đến vài trăm nghìn.

Chị Huệ kể, rất nhiều khách hàng, mua hàng từ nhiều năm trước, đến giờ vẫn nằm trong danh sách chưa trả nợ. Họ có người ở xa cũng có người ở gần; có cả người là người quen, bạn bè, đồng nghiệp của chị.

Có chị khách là chỗ quen biết của chị, Tết năm 2022, đặt mua làm quà các loại tôm, cá khô cho đến các loại mắm với tổng giá trị gần chục triệu đồng. Khi đặt hàng chị nói giao hàng rồi vài ngày chị chuyển tiền và "vài ngày" của chị đã gần hai năm rồi vẫn chưa thanh toán.

Vài lần chị Huệ nhắn tin hỏi thì đều nghe: "Ôi, chị quên mất, để chị chuyển", nhưng rồi lại bặt vô âm tín.

Nhiều khách hàng cũng điệp khúc "để chuyển" như vậy. Cảnh chờ tiền, nhắc nợ thực sự là việc làm mất năng lượng của chị nhất vào những tháng cuối năm.

Chủ shop online muốn “giải nghệ”, tố loạt khách VIP chốt đơn vài năm vẫn “quên” trả tiền - 2

Thậm chí có người phải "cầu cứu" xin bí quyết để đòi tiền khách hàng

Gần đây, chị Điệp, một người chuyên bán vé máy bay cũng đăng đàn chia sẻ: “Không biết mọi người có nhiều khách nợ tiền vé không? Em được nhiều người quý, giới thiệu nhiều mối quen mua vé. Mừng vì có nhiều người ủng hộ, nhưng em cũng muốn tụt huyết áp vì cảnh đòi nợ các khách rồi ạ. 

Hôm nay cuối tuần mấy anh em trong hội đồng hương hẹn giao lưu, vô tình em phát hiện vị khách quen vẫn còn đang thiếu nợ tiền vé 9 triệu đồng từ cuối năm 2022, ngồi phía xa. Em có gọi điện thoại thử mời chị cafe, chị bắt máy nhưng thản nhiên nói đang ở quê. Cũng quên luôn chuyện nợ nần.

Thực sự, nhiều lúc không cho nợ thì không có khách, mà nợ thì không có vốn xoay vòng, rồi bán xong 6 tháng nay chưa lấy đc nợ. Anh chị em, ai có kinh nghiệm đòi nợ tư vấn giùm em với ạ”.

Trước những câu chuyện chia sẻ dở khóc dở cười của những “chủ nợ”, nhiều người đồng cảnh ngộ cho rằng bán hàng và kinh doanh không được nể nang, nên thẳng thắn và hạn chế bán nợ.

Tài khoản Minh Minh bình luận: “Thực sự không thể nể nang được. Mình rất ít cho nợ bởi nợ rồi sẽ dễ mất lòng và mất khách luôn. Nhiều người khi nhận vé được rồi, đến lúc thanh toán lại tiếc tiền không chịu trả”.

Tài khoản Ngọc Nguyễn thì than thở: “Mình có vị khách VIP, mua vài lượt đều thanh toán nhanh, đến lần này mua nhiều nhất tới 45 triệu đồng thì bỗng mất tăm hơi luôn. Nhiều khi cứ bảo quyết tâm không cho nợ, mà lại đâu vào đấy. Lãi lời nào có là bao, mà họ nghĩ mua hàng của mình như là một sự ban ơn”.

Đọng vốn, lại luôn đối diện cảnh khách nợ nần nhì nhằng, nhiều người vì quá mệt mỏi đành tuyên bố “giải nghệ”.

Một số người khác hết cách, cuối cùng đành bóc mẽ "con nợ" lên mạng xã hội, xác định mất bạn, mất tiền.

Anh Thuận – một người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, bán hàng cho rằng, anh từng gặp khá nhiều tình huống khách hàng khó khăn hoặc cố tình nợ “nhây” không chịu trả đúng hẹn. Vì muốn giữ mối quan hệ lại vừa muốn đòi được tiền, nên anh phải sử dụng các chiêu, như: Nhắc khéo khi gặp mặt trực tiếp; Hẹn chính xác ngày trả nợ; Trình bày những khó khăn của mình với người nợ; Nói thẳng thắn về khoản nợ của bạn; Chia nhỏ khoản nợ,… “Nếu các chiêu trên vẫn chưa có hiệu quả thì mình gọi điện thoại đòi nợ liên tục, ra tối hậu thư dạng như nếu chị không thanh toán tôi sẽ nói cho đối tác, đồng nghiệp của chị biết. Cuối cùng, bạn có thể đăng thông tin lên các trang mạng xã hội để nhắc nhở - lúc đó thì mối quan hệ của bạn và khách sẽ không còn gì nữa”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ shop online muốn “giải nghệ”, tố loạt khách VIP chốt đơn vài năm vẫn “quên” trả tiền