Theo ông Phan Văn Vượng, ở nhiều địa phương, Chủ tịch cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban tiếp công dân tiếp dân thay. Trên cả nước, số ngày chủ tịch cấp tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208.
Một số địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động tổ chức tiếp dân đột xuất, đoàn đông người để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương. Sau các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng, nhiều vị ban hành văn bản để chỉ đạo giải quyết vụ việc. Tổng số đoàn đông người, phức tạp trong kỳ giám sát là 513, còn tổng số văn bản ban hành sau tiếp dân là hơn 2.200, chỉ đạo giải quyết khoảng 5.100 vụ việc.
Theo báo cáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Tiếp công dân, quy định theo hướng mở là lãnh đạo UBND các cấp gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch tiếp công dân, chứ không quy định cứng chỉ có Chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân như Luật hiện hành.
Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét ban hành chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu do không thực hiện tiếp công dân, không trực tiếp chỉ đạo giải quyết khiếu nại tố cáo; giải quyết khiếu nại tố cáo chậm trễ (quá thời hạn) để xảy ra vụ việc bức xúc, đông người, kéo dài.
Theo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày trong một tháng; tiếp công dân đột xuất trong các vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia...