Tuy nhiên, những biến động cục bộ này sẽ sớm được kiểm soát cùng với việc công bố các thông tin chính thức về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương, đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định của phân khúc này.
Nhà ở cho người thu nhập thấp (bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân): Nhu cầu nhà ở phân khúc này luôn vượt xa khả năng cung cấp của thị trường. Về phía cầu, do khả năng chi trả thực của người có thu nhập thấp rất hạn chế, cần có những chính sách hỗ trợ về tín dụng hiệu quả hơn nữa để có thể tăng khả năng thanh khoản cho phân khúc nhà ở mang tính chiến lược quốc gia này.
Giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn. Với mục tiêu của Đề án thì mỗi năm, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 100.000 - 110.000 căn nhà ở xã hội.
Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân mảng đón đầu nhiều cơ hội phát triển từ tăng trưởng du lịch, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc (quốc gia chiếm khoảng 30% khách du lịch quốc tế của Việt Nam thời điểm trước đại dịch) mở của trở lại, dù tiềm ẩn nhiều thách thức.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng đặc biệt là các biệt thự ven biển sẽ tăng trưởng khả quan trong giai đoạn 2023-2025.
Phân khúc căn hộ du lịch (Condotel): Sự hoàn thiện pháp lý đối với Condotel như đăng ký, chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng hợp đồng mua bán Condotel; vấn đề sở hữu, đầu tư, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài… sẽ tạo bước đột phá cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này cũng sẽ có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025.
Phân khúc homestay là phân khúc hồi phục chậm nhất trong các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng hậu Covid-19. Dự báo là sẽ có triển vọng tích cực trong trung và dài hạn cùng với xu hướng du lịch trải nghiệm, sống xanh an toàn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phân khúc bất động sản mặt bằng bán lẻ, văn phòng
Phân khúc mặt bằng bán lẻ: Sau những tác động bất lợi của dịch Covid-19 thì sự phát triển trung tâm thương mại nội địa có xu hướng chuyển đổi từ mô hình cho thuê truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu, chia sẻ rủi ro, tăng cường mối quan hệ giữa chủ cho thuê và khách thuê.
Căn hộ dịch vụ và văn phòng khách sạn (officetel): phù hợp với xu hướng phát triển mới của thị trường, tạo điều kiện để người làm việc phát huy tối đa năng suất, giảm thời gian và chi phí đầu tư, đạt hiệu quả cao trong công việc.
Về căn hộ dịch vụ: Tỷ lệ lấp đầy căn hộ dịch vụ tại Việt Nam cũng khá cao, lên tới 90 - 95%, vượt trội so với tỷ lệ lấp đầy của khách sạn (70%). Hơn nữa, căn hộ dịch vụ ổn định khách thuê, thời gian thuê thường kéo dài, tăng trưởng trung bình từ 8 - 10% và sẽ là thị trường hấp dẫn.
Phân khúc bất động sản khu công nghiệp
Phân khúc bất động sản khu công nghiệp, dự báo trong giai đoạn 2023-2025 sẽ phát triển, nhất là khu công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao như mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ sẽ là những xu hướng nổi bật của thị trường bất động sản khu công nghiệp, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong việc thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên cần đầu tư hạ tầng bên ngoài kết nối đồng bộ với bên trong khu công nghiệp. Hoàn thiện pháp lý, quy hoạch đồng bộ và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.