Đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập hoặc bất kỳ chủ tịch nước nào của Trung Quốc bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh G20, tổ chức được thành lập để tìm kiếm sự đồng thuận giữa các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, bất chấp khác biệt về kinh tế hoặc xã hội.
Josh Lipsky, giám đốc cấp cao của Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20 đặt ra câu hỏi về “sự tồn tại và thành công bền vững lâu dài” của G20.
Ông Gordon Brown, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 với tư cách là thủ tướng Anh, cho rằng tổ chức này đại diện cho “sự xích lại gần nhau của thế giới”.
Tuy nhiên, việc Nga tách khỏi phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái khiến G20 không còn đoàn kết. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây càng làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa các thành viên phát triển và đang phát triển.
G20 đã đạt được thỏa thuận chung bất ngờ tại hội nghị thượng đỉnh năm 2022 ở Bali, Indonesia. Nhưng các cuộc thảo luận năm nay dưới sự chủ trì của Ấn Độ cho thấy sự rạn nứt dường như không thể hàn gắn giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine.
Tại cuộc họp cấp các bộ trưởng ngoại giao, tài chính và các quan chức khác của G20, Ấn Độ không đạt được tuyên bố cuối cùng nào mà tất cả các thành viên đồng ý. Nga và Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những từ ngữ mà phương Tây muốn đưa vào về cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi được hỏi về việc ông Tập sẽ không dự thượng đỉnh G20, ngày 1/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói rằng họ sẽ công bố kế hoạch công du nào vào “thời điểm thích hợp”.
Trong tháng này, Bắc Kinh bác bỏ những ý kiến cho rằng họ đã cản trở sự đồng thuận của G20 về việc cắt giảm khí thải.
Tuần trước, ông Tập tham gia tích cực vào hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi. Ở đó, BRICS đưa ra quyết định mở rộng số lượng thành viên từ 5 lên 11, một động thái được coi là nhằm tạo nên đối trọng với những diễn đàn toàn cầu do Mỹ dẫn dắt.
Daniel Price, cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ George Bush, cho rằng việc ông Tập không dự thượng đỉnh G20 rõ ràng ảnh hưởng đến vai trò chủ tịch của Ấn Độ, đồng thời làm nổi bật sự thiếu gắn kết thực sự giữa các nước BRICS.
Theo Financial Times