Theo thầy Thiệu trong năm học 2021-2022 toàn trường chỉ có 7 em đậu Đại học. Còn lại phần lớn do điều kiện khó khăn, sau khi học xong lớp 12 học sinh tìm công việc làm để phụ giúp gia đình. Cũng nhờ tư vấn, hướng nghiệp kịp thời và thường xuyên nên nhiều em chọn được nghề học phù hợp. Có những trường hợp các em vừa học, vừa làm nên đã mang lại công việc ổn định, hỗ trợ được cho gia đình.
“Những em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số đi học nghề đều được hỗ trợ học phí. Do đó, việc học nghề là lựa chọn phù hợp, đúng đắn đối với học sinh có học lực yếu và hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, các em thường lựa chọn ngành nghề như: trồng trọt, cơ khí… để học tập. Đặc biệt, tại địa phương có diện tích cây ăn quả, cà phê, mắc ca… nhiều nên học sinh cũng ưu tiên chọn ngành nghề liên quan. Từ đó, phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp tại địa phương cũng như kinh tế gia đình”, thầy Thiệu nói.
Anh A Dam (huyện Đăk Hà) cho biết, gia đình anh có 5 người con. Tuy nhiên, nhà chỉ có 3 sào đất trồng cà phê nên chẳng đủ nuôi con cái ăn học. Cuộc sống túng thiếu, vợ chồng anh phải làm thêm đủ nghề để lo cho các con ăn học. Người con đầu của anh ngoài 20 tuổi đã nghỉ học từ lâu để phụ giúp cha mẹ lo cho các em học tập. Còn người con thứ 2 vừa mới tốt nghiệp lớp 12 năm nay. Thế nhưng thành tích học tập không cao, điều kiện gia đình chẳng có nên thầy cô, gia đình tư vấn cho em đi học nghề.
“Mình rất vui mừng và biết ơn thầy cô đã hỗ trợ, tư vấn cho con học nghề cơ khí. Chứ nếu con không đi học nghề mà cứ dầm mưa, dãi nắng như vợ chồng mình thì khổ mãi. Giờ đây con vừa học, vừa xin đi phụ cũng kiếm được chút tiền để nuôi sống bản thân và phụ vợ chồng mình nuôi 3 đứa nhỏ. Mình sẽ cố gắng tạo điều kiện hơn nữa để các con được học tập. Nếu cháu nào học tốt mình sẽ cho con vào Đại học”, anh A Dam tâm sự.
Tương tự, tại huyện Kông Chro (Gia Lai), ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Phòng GD&ĐT cho hay, trong những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp với các trường tổ chức hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là khối lớp 9. Từ đó, để các em chọn được hướng đi đúng đắn, tránh trở thành gánh nặng cho gia đình khi năng lực học tập hạn chế. Đồng thời với những em hoàn cảnh khó khăn, có thể lựa chọn được ngành nghề, công việc phù hợp để phụ giúp gia đình, lo cho cuộc sống của bản thân.
Theo ông Phong, hiện nay học sinh vùng sâu vùng xa và dân tộc thiểu số có xu thế học Trung cấp nghề. Bởi điều kiện kinh tế gia đình các em khó khăn, việc học Trung cấp sẽ nhanh tốt nghiệp ra trường và tìm được nghề nghiệp nhanh chóng.
"Với những em hộ nghèo hoặc cận nghèo... khi đi học sẽ có hỗ trợ. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh và học sinh chọn phương án cho con em mình theo học Trung cấp nghề. Bởi sau khi tốt nghiệp ra trường các em có thể nhận được bằng tốt nghiệp THPT lại có nghề nghiệp để kiếm sống. Hiện nay tại địa phương, nam sinh thường chọn nghề sửa xe, còn nữ sinh thì chọn cắt tóc, làm đẹp", ông Phong nói.