Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong tự tin rằng Singapore có thể giữ mối liên hệ chặt chẽ với cả hai phía Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, tác giả Rana Foroohar của FT, một chuyên gia kinh tế vĩ mô, lại có cách nhìn khác: “Sự tách biệt về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng điều then chốt trong số đó là quan điểm cho rằng: Công nghệ phương Tây không nên hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa và mở rộng quân đội của Trung Quốc. Từ quan điểm của người Mỹ, điều này có vẻ khá rõ ràng. Tại sao tiền, sản phẩm và chuyên môn của Mỹ lại đi hỗ trợ cho sức mạnh quân sự của đối thủ chiến lược chính?”.
“Đó là lý do căn bản cho lệnh hành pháp mới của Nhà Trắng vào tuần trước hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ gây rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất, như chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Ý tưởng là mở rộng các lệnh cấm xuất khẩu hiện có sang Trung Quốc, cũng như siết chặt các giới hạn đối với việc Trung Quốc mua lại công nghệ Mỹ, bằng cách hạn chế cách các nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào các lĩnh vực chiến lược nhất ở Trung Quốc” - bà Rana phân tích.
Bà cho biết thêm: “Các khoản đầu tư chiến lược từ Mỹ sang Trung Quốc đã bị cắt giảm đáng kể trong vài năm qua. Ngân sách tài trợ bằng USD cho những quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 14 tỷ USD vào năm 2022, từ mức 95 tỷ USD vào năm 2021. Sắc lệnh hành pháp mới chắc chắn sẽ đẩy các dòng vốn đó xuống thấp hơn nữa”.
Không gì khác, những nhận xét này chính là lời cáo buộc của Đại sứ quán Trung Quốc hôm 4/8, rằng nước Mỹ "thường xuyên chính trị hóa các vấn đề công nghệ và thương mại, rồi sử dụng chúng như một công cụ và vũ khí nhân danh an ninh quốc gia".
Một chuyên gia khác, Robert Denalay, viết trên tờ South China Morning Post (cùng ngày 14/8), rằng sắc lệnh hành pháp mới được ông chủ Nhà Trắng ký có thể xem là việc Mỹ “tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với công nghệ nhạy cảm, trong kế hoạch mới nhất nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc”.
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung tiếp diễn trên mặt trận công nghệ.
Trong bối cảnh tiến trình tái định hình trật tự thế giới đang diễn ra mỗi lúc một mạnh mẽ, nếu muốn bảo toàn vị trí cực duy nhất của thế giới cho nước Mỹ bằng mọi giá, chúng ta có thể tin rằng dù là một tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay một tổng thống thuộc đảng Cộng hòa ngồi tại Nhà Trắng, cũng sẽ khó có thể có lựa chọn nào khác. Và, sức mạnh công nghệ, thực tế, cũng chính là thứ quyền lực tối thượng, quyết sức bật cũng như vị thế của mọi cường quốc. Nếu không nắm được công nghệ, cho dù là đại cường nào cũng sẽ rất khó khăn trong việc vươn mình trở thành siêu cường đích thực.
3. Vậy thì, những quốc gia nhỏ và tầm trung sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho mình những phương án hành động khái lược nào?
Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, cùng lúc với việc chỉ ra những hiểm họa và cảnh báo về “những tai nạn do tính toán sai lầm”, bình thản cho rằng: Cho dù hiện tại, rất khó đạt được trạng thái cân bằng khi đứng giữa mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng Singapore vẫn sẽ cố gắng duy trì quan hệ chặt chẽ với cả hai.
Quan điểm cứng rắn mà nữ tác giả Rana Foroohar thể hiện dường như cũng chính là những gì đang được bộc lộ trên thượng tầng chính trị nước Mỹ.
Trong khi đó, bà Rana Foroohar lưu ý: “Tư duy theo hướng kinh tế vĩ mô, về cách đạt được an ninh quốc gia, không phải là điều nước Mỹ thực hiện, trong một thời gian dài. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã làm rõ: Chúng ta cần sự can thiệp của chính phủ để đảm bảo sức mạnh của cơ sở công nghiệp, lực lượng lao động và khả năng sẵn sàng phòng thủ của mình. Nhưng, vẫn chưa có một kế hoạch chung về cách đạt được điều đó”. Và, bà hướng tầm nhìn đến kỳ họp Quốc hội Mỹ vào thời gian tới.
Ở đó, cũng có thể, những tranh chấp chính trường giữa đảng Cộng hòa với đảng Dân chủ sẽ tạo thêm một chút trắc trở, cho việc cụ thể hóa “đại chiến lược ấy”. Tuy vậy, điều chắc chắn là vẫn sẽ có đa số các nghị sĩ Mỹ muốn dòng vốn trong nhiều lĩnh vực được giám sát chặt chẽ hơn. Và, chắc chắn, cũng sẽ có nhiều người nghĩ như Rana, rằng “đối diện với Trung Quốc, an ninh quốc gia và an ninh kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau”.
Câu chuyện “thương chiến”, vì vậy, dường như cũng vừa được bắt đầu lại từ đầu. Để mọi quốc gia khác đều phải cân nhắc các lựa chọn một cách kỹ lưỡng, nhằm vừa tránh việc bị tổn thương, vừa có thể tìm kiếm những cơ hội mới.
Rất đáng nhắc đến, cũng ngày 14/8, tờ The Straits Times chỉ ra: “Một số công ty lớn muốn đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không phải là “công xưởng” duy nhất của họ. Hoặc, cũng đã có những tập đoàn thiết lập dây chuyền sản xuất tại những địa chỉ mới, như Việt Nam, Mexico hay Thổ Nhĩ Kỳ”. Song, rào cản lớn nhất vẫn là sẽ rất khó thay thế được hoàn toàn năng lực sản xuất to lớn với chi phí tương đối thấp, như Trung Quốc luôn sở hữu...