Chung tay bảo tồn tiếng dân tộc cho học trò

16/06/2023, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều địa phương, trường học đã tổ chức dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong hè. 

Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ giá trị truyền thống, ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của cha ông.

Giáo dục cội nguồn

Hai năm nay, cứ vào dịp hè tại nhà văn hóa bản Lòi Sim (Hương Khê, Hà Tĩnh) lại nhộn nhịp tiếng học sinh tập đọc, nói tiếng dân tộc. Đứng lớp giảng dạy là ông Phan Thanh Tuyền, Trưởng bản Lòi Sim với mái tóc đã ngả màu nhưng luôn đau đáu gìn giữ văn hóa, tiếng Mường cho con cháu.

Ông Tuyền tâm sự: “Bản Lòi Sim chủ yếu người dân tộc Mường, tuy nhiên giờ số người biết nói tiếng dân tộc ngày càng ít đi, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trước sự mai một đó, tôi và nhiều người già trong bản muốn truyền dạy để con, cháu nhớ về cội nguồn, văn hóa dân tộc. Qua đó, cũng giúp các cháu thêm hiểu, yêu quý và trân trọng, gìn giữ tiếng nói, chữ viết, tiếng mẹ đẻ”.

“Chúng tôi giảng dạy với phương châm “người biết dạy cho người chưa biết”, chú trọng thực hành giao tiếp hàng ngày trong gia đình. Cùng đó, tổ chức câu lạc bộ, hoạt động giao lưu và mời những người biết tiếng Mường trong bản, địa phương cùng tham gia để thế hệ trẻ tăng cơ hội thực hành nói tiếng Mường. Quá trình này, ban tổ chức lớp học còn nhận được sự hỗ trợ, cố vấn của thầy Lê Hữu Tân - công tác ở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh”, ông Tuyền nói.

Khi có ý tưởng dạy tiếng Mường cho học sinh, ông Tuyền đã đề xuất với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hương Trạch nhờ hỗ trợ in tài liệu và tuyên truyền để người dân có trách nhiệm giữ gìn chữ viết và nói tiếng Mường.

Đồng hành với bản Lòi Sim trong công tác giảng dạy tiếng Mường, thầy Dương Bá Phương - Hiệu trưởng Trường TH Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) - cho biết: “Khi nhận được đề xuất của trưởng bản, tôi đã tư vấn linh hoạt thời gian tổ chức lớp để học sinh tham gia đầy đủ; mỗi tuần duy trì hai buổi. Quá trình tổ chức lớp, nhà trường đồng hành, hỗ trợ in tài liệu, xây dựng các hoạt động ngoại khóa giúp các em thực hành giao tiếp nhiều hơn”.

Thầy Phương chia sẻ: Xã Hương Trạch, Hương Khê mang đặc trưng người Mường, do vậy việc tổ chức lớp học vào mùa Hè rất bổ ích cho học sinh; tạo cơ hội cho các em học tập, hiểu cội nguồn văn hóa. Sau hai năm tổ chức, lớp học đã tạo được sự hứng thú không chỉ với học sinh, mà cả người dân trong học, đọc tiếng dân tộc”.

Chung tay bảo tồn tiếng dân tộc cho học trò ảnh 1

Học sinh học tiếng Khmer ở các chùa của huyện Châu Thành (Trà Vinh). Ảnh: NVCC

Để học trò thành thạo tiếng dân tộc

Hằng năm, Sở GD&ĐT Trà Vinh đều có công văn hướng dẫn triển khai tổ chức mở lớp dạy bổ túc văn hóa tiếng Khme trong dịp hè. Theo đó, Phòng GD&ĐT sẽ triển khai xuống các đơn vị, phối hợp với các chùa (Phật giáo) cùng thực hiện.

Ông Thạch Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành (Trà Vinh) - cho biết: “Các chùa có trách nhiệm tuyển sinh, lập danh sách gửi về trường tiểu học. Trường sẽ tổng hợp số học viên, người dạy chuyển về phòng GD&ĐT. Chúng tôi căn cứ vào số lượng học viên/điểm để mở lớp. Quá trình mở lớp đã nhận được sự đồng thuận từ các chùa, người dân địa phương. Đối tượng học hiện nay không chỉ dừng lại ở học sinh, người dân tộc thiểu số Khmer mà giáo viên mầm non, người dân tộc cũng hứng thú tham gia”.

Được biết, mỗi khóa học kéo dài 2 tháng với 132 tiết. Người đứng lớp ngoài có kinh nghiệm, thì Sở GD&ĐT Trà Vinh còn tổ chức tập huấn để hỗ trợ người dạy về phương pháp, nghiệp vụ sư phạm. Quá trình giảng dạy, Phòng GD&ĐT yêu cầu các trường, giáo viên giảng dạy tiếng Khmer quản lý, tổ chức, hỗ trợ.

Ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, trao đổi: “Thực hiện Nghị định 82, sách tiếng dân tộc Khmer có từ 1 đến 7 quyển, tương ứng từ lớp 2 đến lớp 9. Riêng Trà Vinh xin chủ trương Bộ GD&ĐT và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy viết thêm sách lớp 10, 11, 12 để dạy thí điểm. Vì vậy hàng năm, chúng tôi đều có các đợt kiểm tra, đánh giá hiệu quả của chương trình dạy ở trường theo Nghị định 82”.

Được biết, trước khi có Nghị định 82, tại Trà Vinh, các chùa đã triển khai dạy tiếng Khmer vào mùa Hè, người đứng lớp không hưởng chế độ. Do đó, từ năm 2001, 2002, Hội đồng nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho người giảng dạy. Theo đó, Sở GD&ĐT Trà Vinh tham mưu trình UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai chế độ. Để được hưởng kinh phí hỗ trợ, người giảng dạy tiếng dân tộc ở các chùa phải dạy theo chương trình Bộ GD&ĐT quy định (từ quyển 1 đến quyển 7). Hàng năm, tỉnh dùng ngân sách địa phương trả cho người dạy theo quy định là 35 nghìn đồng/tiết.

“Từ khi có nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, mỗi năm tỉnh hỗ trợ gần 3 tỉ đồng cho những người giảng dạy tiếng dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT hỗ trợ về sách giáo khoa, bút, vở; nhà chùa hỗ trợ chỗ học, bàn ghế…”, ông Thạch Tha Lai cho biết.

Theo ông Thạch Tha Lai, học sinh được học tiếng dân tộc sẽ được giao tiếp, rèn luyện và gia cố kiến thức tiếng Khmer trong trường học. Mặt khác, dịp hè thay vì học sinh tìm chỗ chơi thì đến lớp học vừa học vừa chơi đầy ý nghĩa, bổ ích. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều phụ huynh, người dân; Những người có uy tín tại địa phương cũng đánh giá cao về lớp học.

“Sau khi lớp học đi vào triển khai, Phòng GD&ĐT sẽ thành lập tổ kiểm tra hàng tháng. Chúng tôi đánh giá khâu tổ chức, giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định. Nếu phát hiện không đúng chương trình, quy định sẽ yêu cầu dừng lớp. Để đánh giá đúng chất lượng, Phòng còn quy định rõ số bài kiểm tra/khóa và đánh giá được thể hiện bằng điểm số…”, ông Thạch Ngọc Sơn trao đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chung tay bảo tồn tiếng dân tộc cho học trò