Chung tay xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn

Thúy Khang | 21/06/2022, 11:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngày 20/6, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo công bố kết quả hoạt động chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn”.

Sau thời gian thực hiện tại Việt Nam, chương trình đã xây dựng được bộ qui tắc ứng xử chung cho sinh viên, cán bộ, giảng viên đảm bảo môi trường học đường an toàn, lành mạnh, không có bạo lực cho sinh viên, cán bộ, giảng viên.

Đồng thời, chương trình cũng đã hỗ trợ 3 trường thành viên xây dựng và vận hành phòng tham vấn tâm lí để hỗ trợ cho sinh viên, cán bộ, giảng viên bị bạo lực, chứng kiến hay gây ra bạo lực trong trường đại học. Trong quá trình 2 tháng thí điểm triển khai, phòng tham vấn tâm lí của 3 trường đã trợ giúp 13 trường hợp sinh viên bị bạo lực tinh thần, thể xác và tình dục. Phòng tham vấn tâm lí đã dần trở thành địa chỉ được nhiều sinh viên, cán bộ, giảng viên biết đến hơn.

Ngoài ra, chiến dịch truyền thông mang tên “Tô cam giảng đường” cũng đã giúp nâng cao nhận thức của sinh viên, cán bộ, giảng viên ở 3 trường về hệ quả của các hình thức bạo lực cũng như chia sẻ, lan tỏa thông điệp “Bạn không cô đơn” hay “Không bao giờ là lỗi của bạn khi bạn bị bạo lực” để giúp những sinh viên, cán bộ, giảng viên chủ động tìm kiếm sự trợ giúp khi mình bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực.

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Các kết quả được báo cáo trong ngày hôm nay sẽ rất có giá trị giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo và BGH các trường đại học khác trong việc xây dựng những chính sách phù hợp, thiết thực để đảm bảo an toàn cho sinh viên, cán bộ, giảng viên trong trường, cũng như xây dựng và tiếp tục phát triển, lan tỏa mô hình khuôn viên trường đại học an toàn không bạo lực cho các trường đại học khác ở Việt Nam”.

“UN Women đánh giá cao các kết quả đạt được trong thời gian ngắn của chương trình Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn. Chúng tôi hi vọng các kết quả này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho các chính sách liên quan đến sinh viên và giảng viên trường đại học cũng như truyền cảm hứng nhân rộng cho các trường đại học khác trên toàn quốc.” Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình, UN Women chia sẻ.

Trong phần thảo luận với đại diện các trường đại học tại Hà Nội, đại diện trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống giúp những người bị bạo lực là sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới bao gồm bao lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh. Thêm vào đó, những địa điểm không an toàn trong các trường đại học cần được Ban giám hiệu các trường quan tâm, có camera quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn.

Các trường đại học cần xây dựng bản đồ không gian an toàn và không an toàn trong trường để định hướng cho sinh viên và có kế hoạch làm an toàn không gian xung quanh trường để khuôn viên trường đại học thực sự là nơi sinh viên, cán bộ, giảng viên cảm thấy thoải mái, yên tâm ở mọi lúc, mọi nơi.

Bài liên quan
Nâng cao hiểu biết và kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho sinh viên
Đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công tác giảng dạy, các nhà trường cũng thường xuyên quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp sinh viên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chung tay xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn