Chương trình 'Máy tính cho em' lấp 'chỗ trống' ở vùng khó

Bài, ảnh: Hà Linh | 11/04/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” vẫn được xem như “cứu cánh” cho nhiều trường vùng khó khi triển khai chương trình mới.

Hết cảnh học “chay”

Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch thuộc diện đặc biệt khó khăn tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) với hơn 270 học sinh. Năm 2022, lần đầu tiên trường được đầu tư phòng Tin học quy mô, song chỉ có 10 máy tính để bàn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quynh, Hiệu trưởng, cho biết: Số lượng máy quá ít ỏi, mỗi tuần trường phải chật vật sắp xếp, cân đối lịch giảng dạy môn Tin học cho các lớp. Dẫu vậy, cũng không tránh khỏi tình trạng học “chay”, hoặc vài học sinh ngồi chung 1 máy. Từ khi có nguồn hỗ trợ từ Chương trình “Máy tính cho em”, những khó khăn này dần được tháo gỡ.

“Ở đợt 1, trường được hỗ trợ 24 máy tính bảng theo chương trình. Những thiết bị này ngay khi về đã được cấp cho học sinh theo đúng đối tượng. Để tránh tình trạng học sinh sử dụng sai mục đích, thiết bị hỏng hóc… trường không giao cho các em cầm về mà quản lý tập trung tại phòng Tin học. Nhờ vậy đã đảm bảo đủ số lượng máy phục vụ giờ dạy tin”, thầy Quynh cho hay.

Học sinh Hạng Thị Dợ, lớp 7A được nhận máy tính hỗ trợ đợt này. Dợ tâm sự, trước đây do không có nhiều cơ hội tiếp cận, thực hành trên máy tính nên em rất lo lắng khi đến giờ học tin. Từ khi được hỗ trợ máy em đã chủ động, tự tin hơn với môn học.

Cũng như các bạn, Dợ đồng ý theo phương án để máy tại phòng Tin học, các thầy cô quản lý giúp. “Dù không được mang về nhà, song khi có nhu cầu phục vụ việc học, tìm kiếm thông tin, em đều dễ dàng mượn, sử dụng. Phòng thư viện luôn có giáo viên trực, mạng Internet tại đây cũng sẵn sàng”, Hạng Thị Dợ bộc bạch.

Đợt đầu tiên, Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) đã tiếp nhận 15 máy tính bảng. Với số máy ít ỏi, trong khi nhu cầu thực tế lớn, nhà trường cũng không giao cho học sinh mang về mà bảo quản trong phòng thiết bị.

Thầy Lò Văn Thái, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Trường thực hiện như vậy nhằm quản lý tốt và phát huy hiệu quả lâu dài số máy được hỗ trợ. Tránh tình trạng các em mang về sử dụng không đúng mục đích hoặc hư hỏng. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn về thiết bị dạy học chương trình mới trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp”.

Đặc biệt, khi chuẩn bị đến các kỳ thi chọn học sinh giỏi, ViOlympic... các em trong đội tuyển sẽ được ưu tiên mượn dùng để tra cứu thêm tài liệu học tập, rèn luyện kỹ năng. “Các thiết bị này có ý nghĩa không chỉ với học sinh, mà cả các trường vùng khó. Hiện nay, trường chờ 50 máy tiếp tục hỗ trợ đợt 2 là cơ bản giải quyết được khó khăn về thiết bị”, thầy Thái nói thêm.

Chương trình 'Máy tính cho em' lấp 'chỗ trống' ở vùng khó ảnh 1

Học sinh lớp 7A, Trường PTDTBT THCS Huổi Lếch học tập trên thiết bị được hỗ trợ từ Chương trình “Máy tính cho em”.

Quản lý, sử dụng như thế nào?

Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Điện Biên đã vận động, quyên góp, tiếp nhận ủng hộ được 44,81 tỷ đồng. Trong đó hơn 32,5 tỷ đồng ủng hộ bằng tiền mặt, cùng 5.000 máy tính bảng và 5.000 sim 4G.

Được sự nhất trí của UBND tỉnh và ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, toàn bộ số hiện vật đã được ngành Giáo dục địa phương cấp phát lần 1 cho các cơ sở vào cuối năm 2022. Hiện nay, các thủ tục đấu thầu, mua sắm máy tính bảng đợt 2 theo quy định đã hoàn tất và đang tổ chức bàn giao cho các đơn vị nhà trường. Theo dự kiến, sẽ có 12.000 học sinh được hỗ trợ dịp này.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, đối tượng xét cho mượn máy tính bảng đều đảm bảo các tiêu chí do Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, học sinh không còn học trực tuyến thì nhiều cơ sở lại rơi vào tình trạng loay hoay trong quản lý, sử dụng.

“Theo quy định, số lượng máy tính bảng mua sắm từ nguồn vận động xã hội hóa tại địa phương phải cấp phát trực tiếp cho học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình. Đồng nghĩa việc các trường không được lưu giữ, bổ sung cho phòng Tin học, sử dụng như đồ dùng thiết bị dạy học. Trong khi đó, địa bàn vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn. Nếu không linh hoạt sẽ gây ra tình trạng lãng phí”, ông Đoạt cho hay.

Còn ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, chia sẻ, việc sử dụng linh hoạt nguồn hỗ trợ từ Chương trình “Máy tính cho em” trong bối cảnh hiện tại hết sức cần thiết. Để đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo chương trình mới, phòng đã gửi tờ trình lên UBND huyện để xin chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên không thể đáp ứng theo yêu cầu.

“Đợt 1, chúng tôi được phân bổ 740 máy tính bảng. Dự kiến, tới đây tiếp tục được cấp gần 2.000 máy. Đây là nguồn hỗ trợ thiết thực, giúp vùng khó tháo gỡ khó khăn, lấp dần chỗ trống về thiết bị. Hiện, toàn ngành có 22 phòng Tin học, với 205 máy tính. So với nhu cầu thực tế còn thiếu 3 phòng, 315 máy. Trước đòi hỏi thực tế buộc chúng tôi phải chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng. Đặc biệt đối với tin học lớp 3, học sinh không thể học chay”, ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình 'Máy tính cho em' lấp 'chỗ trống' ở vùng khó