Chương trình mới giúp học sinh dân tộc năng động và tự tin hơn

Hồ Phúc | 22/03/2023, 18:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Đắk Nông).

Cô Phạm Thị Ngát, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 10, Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng khẳng định, Chương trình GDPT 2018 có nguồn học liệu mở, phương pháp tiếp cận mở, nhiều tác phẩm văn học mới, đa dạng về nội dung và thể loại… Mỗi tiết học bám sát hoạt động giao tiếp với các kỹ năng đọc, nói, nghe, viết; sách giáo khoa là tài liệu tham khảo trong quá trình dạy học chứ không phải pháp lệnh,…

Chương trình mới giúp học sinh dân tộc năng động và tự tin hơn ảnh 3

Đoàn kiểm tra nắm bắt thực tế tại thư viện Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng.

Đặc biệt, giáo viên không còn lệ thuộc một ngữ liệu bắt buộc như trước mà có quyền lựa chọn văn bản phù hợp học sinh; được chủ động toàn bộ hoạt động giáo dục theo kế hoạch chuyên môn đã phê duyệt. Tùy vào học sinh, người dạy có thể đi sâu, mở rộng hoặc không dạy một số đơn vị kiến thức, nên không bị áp lực về thời gian, không lo “cháy giáo án” hoặc không hoàn thành bài dạy như chương trình cũ.

“Sự linh hoạt về phương pháp, kỹ thuật dạy học, đa dạng hình thức, phương thức và kết hợp giữa kiểm tra định tính qua hồ sơ học tập, quan sát, nhận xét với kiểm tra định lượng cho điểm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ và cuối kỳ, giúp học trò không sợ giờ Văn, biết viết văn, biết diễn đạt ý và giảm lỗi chính tả, dùng từ,…

Tuy nhiên việc chuyển từ phương pháp dạy đọc chép, ghi nhớ sang phương pháp hướng dẫn học sinh, lần đầu tiên chủ động tìm hiểu, cảm nhận và trình bày ý hiểu là việc không dễ và cần thời gian để các em tiếp cận và thích ứng”, cô Ngát bày tỏ.

Tương tự, cô Võ Thị Hoàng Anh, giáo viên môn Vật lý, Tổ trưởng bộ môn Lý-Hóa-Sinh-Âm Nhạc nhận định, chương trình mới phù hợp về mục tiêu, yêu cầu đổi mới nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực cốt lõi cho học sinh. Đội ngũ giáo viên bộ môn đáp ứng tốt, học sinh tự lựa chọn môn học nên phần lớn chủ động trong việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt số môn học ít hơn, học trò có thời gian đầu tư vào các môn theo định hướng nghề nghiệp.

“Chương trình mới giúp học sinh năng động, tích cực, tự tin hơn trong giờ học tập và thực hiện các nhiệm vụ học tập của giáo viên giao”, cô Hoàng Anh nhấn mạnh.

Chương trình mới giúp học sinh dân tộc năng động và tự tin hơn ảnh 4

Giáo viên Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng chia sẻ tại buổi làm việc.

Còn cô Trần Thị Bích Ái, giáo viên dạy môn Sinh học cho rằng, môn Sinh học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số. Chương trình mới đã xây dựng được một bức tranh tổng thể về môn học, từ đó kích thích và định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10.

“Dạy học bằng phương pháp tìm tòi, khám phá, giải quyết câu hỏi, bài tập có vấn đề, thiết kế dự án học tập, học sinh được rèn luyện các kỹ năng tiến trình, cách học, cách khai thác sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, từ đó được rèn nhiều năng lực, phẩm chất”, cô Ái nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Chí Nghĩa đánh giá cao sự chuẩn bị của nhà trường cũng như các ý kiến tâm huyết của thầy cô gửi gắm đến đoàn giám sát. Ông Nghĩa cho biết, qua ghi nhận, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã tiếp cận, triển khai chương trình mới nhanh chóng và đạt được những kết quả bước đầu. Đặc biệt, giáo viên giảng dạy chương trình mới đã nắm chắc vấn đề, chương trình giảng dạy và luôn hết lòng với học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-moi-giup-hoc-sinh-dan-toc-nang-dong-va-tu-tin-hon-post631175.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-moi-giup-hoc-sinh-dan-toc-nang-dong-va-tu-tin-hon-post631175.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình mới giúp học sinh dân tộc năng động và tự tin hơn