Trồng người

Chuyện 100 ngàn đồng và phần gà rán bị "khuyết": Khi trước mặt đứa trẻ phô bày những "người lớn xấu xí"

Hiểu Đan, 28/05/2024 14:49

Người ta say sưa tranh cãi chuyện ai đúng, ai sai, còn 32 đứa trẻ ngơ ngác, trước drama của người lớn, trong suy nghĩ của chúng sẽ đọng lại hình ảnh gì?

"Con phải ngồi nhìn bạn ăn gà rán vì mẹ không đóng 100 ngàn đồng tiền quỹ", từ chia sẻ một phía trên mạng đã nhanh chóng viral dữ dội. Tiếp nối là những tranh cãi, đổ lỗi qua lại của người lớn.

Sở lên tiếng, Bộ vào cuộc xác minh, câu chuyện đã đến hồi kết với những lời giải thích "hiểu nhầm, rút kinh nghiệm". Như những sự việc gây bão khác, "chuyện 100 ngàn đồng và phần gà rán bị "khuyết" này sẽ dần rơi vào quên lãng, cho đến khi một vụ khác nữa bùng lên.

Đến lúc này, câu chuyện ai nói dối, nói thật vốn dĩ không còn quan trọng. Đúng sai để làm gì khi con cháu chúng ta chịu đựng? Nhưng 32 đứa trẻ ngơ ngác kia, trước drama liên hoan cuối năm, trong suy nghĩ của chúng sẽ đọng lại hình ảnh gì ngoài những "người lớn xấu xí"?

Chuyện 100 ngàn đồng và phần gà rán bị khuyết: Khi trước mặt đứa trẻ phô bày những người lớn xấu xí - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Một kết cục đáng lẽ có thể đã khác đi...

Nhiều người đặt câu hỏi, liệu câu chuyện này có thể khác đi nếu người lớn hai bên "nhún nhường" hơn một chút?

Một trăm ngàn đồng tiền quỹ mỗi năm rõ ràng không lớn, nó cũng không vượt quá mức chi tiêu của những gia đình có điều kiện kinh tế bình thường. Ngay từ đầu, nếu bà mẹ bớt đi một chút nhu cầu cá nhân để đóng quỹ thì đã không đẩy con vào hoàn cảnh lạc lõng. Chính sự cố chấp của chị khiến con tủi thân. Rồi chị lại nhân danh "vì lợi ích của con" để hướng mũi dùi dư luận vào "gạch đá" giáo viên, cùng các phụ huynh khác, để có những hành động chống đối lại cả tập thể dù biết con mình sẽ bị bơ vơ và khác biệt.

Người lớn chúng ta đi làm, nhiều khi không đúng ý mình nhưng vẫn phải theo tập thể để không làm hỏng cuộc vui chung hay không bị cô lập. Vốn dĩ lớp học cũng chỉ là 1 xã hội thu nhỏ. Đã nhất định không đóng quỹ, không theo quy định số đông thì buổi liên hoan đó nên đón con về sớm thay vì để con tổn thương. Đến mẹ còn không nghĩ cho con tại sao lại yêu cầu người khác phải dành ưu tiên cho con mình?

Chưa hết, khi cảm thấy bức xúc cho con, thay vì tìm hiểu ngọn ngành, chị lại chọn cách "bù lu bù loa" trên nhóm chat chung, trên mạng xã hội. Chị đã khơi lên một ngọn lửa nhỏ, khiến nó bùng lên thành đám cháy lớn, để rồi đứa trẻ vốn đã tổn thương lần 1 ở lớp, lại càng bị xoáy sâu vào, tổn thương thêm lần 2.

Nhưng trong câu chuyện này, người tổn thương duy nhất không chỉ là đứa trẻ ngồi ngơ ngác tự hỏi tại sao mình không có riêng một phần gà rán, hay thắc mắc với mẹ "sau này lên lớp 2 con có được ăn liên hoan không"? 31 đứa trẻ còn lại cũng là "nạn nhân", bởi bài học đầu tiên khi bước chân vào lớp 1 đó là "nếu người lớn sai, trẻ con sẽ không được ăn. Trẻ con xứng đáng chịu thiệt thòi vì người lớn cư xử không đúng cách".

Bà mẹ trên có thể cố chấp không đóng tiền, nhưng những người ở phía đối diện cũng quá sòng phẳng và "hơn thua". Giáo viên, hay ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn có thể trích phần quỹ để thêm một suất ăn 40 ngàn đồng. Nhưng có lẽ vì "cay" với cách hành xử của phụ huynh nên họ nhất thời "ăn miếng trả miếng". Có thể họ không tiếc tiền nếu mua một suất ăn cho đứa trẻ nào đó, nhưng với đứa trẻ mà mẹ nó đang đi ngược đám đông, còn tỏ thái độ, thì không. Cô giáo có thể không dám can thiệp để khỏi "mang tiếng".

Dù bé được chia bánh kẹo đầu tiên (như lời nhà trường giải thích), hay hai bạn ngồi bên cạnh đã san sẻ bớt phần gà rán đi nữa thì sự thực, không có phần vẫn là không có phần. Thiệt hại nặng nhất trong tình huống này là gây tổn thương cho tâm hồn con trẻ, sự mặc cảm và nỗi phẫn uất có thể đâm chồi từ giây phút này.

Nếu họ hạ cái "tôi" xuống bớt một chút, em học sinh kia sẽ không tự ti vì mình là cá biệt. Cách ứng xử như vậy cũng thể hiện sự nhân văn, sẵn sàng vì trẻ con mà bỏ qua mâu thuẫn. Ở góc độ giáo dục, còn gì có khả năng dạy trẻ hữu ích hơn là một hành động có tình người?

Người lớn ham tranh giành lẽ phải, kết quả ai đúng sai, con cái cũng đều chịu thiệt thòi

Hàng năm, việc phụ huynh và giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh xảy ra tranh chấp vì mâu thuẫn là điều không hiếm. Nhiều câu chuyện không còn dừng lại trong không gian bốn bức tường của lớp học, hay phạm vi của ngôi trường, mà được người trong cuộc "tung hô" lên mạng xã hội để tranh thủ giành giật lẽ phải về mình.

Có người "thắng", được đám đông bênh vực. Có người bị chỉ trích, hứng búa rìu dư luận. Nhưng cuối cùng chỉ có một người thua, đó chính là những đứa trẻ. Ở những xung khắc này, điều bị lãng quên là nhân vật chính - đứa trẻ. Môi trường giáo dục lúc này đã biến thành nơi để người lớn thể hiện quyền lực, như một con bài mặc cả để làm tổn thương lẫn nhau.

Nếu cả hai bên nhận thức rõ hơn, đồng cảm hơn và đặt lợi ích chung vì con trẻ để dung hòa những khác biệt thì khả năng xảy ra những câu chuyện như "gà rán" và "đóng quỹ" có thể giảm bớt.

Chuyện 100 ngàn đồng và phần gà rán bị khuyết: Khi trước mặt đứa trẻ phô bày những người lớn xấu xí - Ảnh 2.

Tính cách và khả năng đối nhân xử thế khi trưởng thành của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ ngôn từ, từ đối đãi với nhau của người lớn mà chúng được chứng kiến khi còn nhỏ. Ảnh minh họa

Có một câu nói như này: Những lý luận trống rỗng sẽ không bao giờ có thể chạm đến trái tim của một đứa trẻ. Một sự giáo dục tốt cần có hành động từ chính cha mẹ, thầy cô - những người đầu tiên có sức ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời đứa trẻ. Chỉ cần bản thân người lớn ứng xử văn minh thì tự nhiên sẽ hình thành nên một môi trường tạo ra ảnh hưởng tốt đến trẻ. Tính cách và khả năng đối nhân xử thế khi trưởng thành của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ ngôn từ, từ đối đãi với nhau của người lớn mà chúng được chứng kiến khi còn nhỏ.

Như một hiệu trưởng mầm non bình luận: "Phụ huynh văn minh, dù có không hài lòng với thầy cô đến đâu họ tuyệt nhiên không bao giờ to tiếng với thầy cô trước mặt con trẻ mà tìm cách nói chuyện khi khác, không phải là giữ gìn cho thầy cô mà là để giữ gìn cho con họ một nhân sinh quan đúng đắn".

Thứ hạng và điểm kiểm tra rất quan trọng, nhưng vun bồi đức hạnh và nhân cách quan trọng hơn nhiều. Giá trị của giáo dục không chỉ nằm ở việc cha mẹ sinh con đẻ cái hay giáo viên dạy chữ nghĩa mà còn ở việc con trẻ thúc đẩy sự trưởng thành của người lớn, để họ nhìn vào bên trong bản thân và tiếp tục hoàn thiện mình.

Nếu thực sự yêu thương con trẻ, chúng ta nên hạ bớt cái tôi, sự sĩ diện, hơn thua để tôn trọng và quan tâm đến nhu cầu tâm lý của con. Đừng để sự xấu xí của người lớn làm hỏng mắt nhìn đẹp đẽ trong mỗi đứa trẻ, ở giai đoạn đáng lẽ ra nó chỉ nên cảm nhận toàn điều tích cực, yêu thương của cuộc đời.

Theo phụ nữ số
https://phunuso.baophunuthudo.vn/chuyen-100-ngan-dong-va-phan-ga-ran-bi-khuyet-khi-truoc-mat-dua-tre-pho-bay-nhung-nguoi-lon-xau-xi-193240528121853228.htm
Copy Link
https://phunuso.baophunuthudo.vn/chuyen-100-ngan-dong-va-phan-ga-ran-bi-khuyet-khi-truoc-mat-dua-tre-pho-bay-nhung-nguoi-lon-xau-xi-193240528121853228.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện 100 ngàn đồng và phần gà rán bị "khuyết": Khi trước mặt đứa trẻ phô bày những "người lớn xấu xí"