"Chuyến bay tử thần" và nỗi kinh hoàng ở trại tập trung khét tiếng của Argentina

02/09/2023, 19:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các tù nhân vui mừng, nhảy múa khi nhận được thông báo được trả tự do và chuyển tới khu vực miền nam đất nước. Tuy nhiên, họ bị tiêm một loại thuốc gây ngất lịm, bị đưa lên máy bay rồi lột sạch quần áo và điều xảy ra với họ sau đó là vô cùng thảm khốc.

Một số phụ nữ chia sẻ câu chuyện ám ảnh khi bị lạm dụng tình dục tại trại tập trung ESMA dưới chế độ độc tài quân sự. Ảnh: CAMILO DEL CERRO

Graciela García Romero bị bắt cóc vào ngày 15/10/1976 ở thành phố Buenos Aires của Argentina. Sau khi bị đưa đến trại ESMA, Graciela nếm trải hơn một tháng trong khu vực được gọi là capucha - nơi các tù nhân nằm trên sàn với chiếc mũ trùm kín đầu. Một thời gian sau, cô được chuyển đến một phòng giam khác trên tầng 3. 

Tại đây, Graciela học được ý nghĩa của cụm từ: "544, tầng dưới". Mỗi lần lính gác nói một cụm từ tương tự, Graciela lại ngồi co ro run sợ. Nó có nghĩa là một nữ tù nhân sẽ bị cưỡng hiếp. "544" thay thế cho danh tính của một nữ tù nhân khi vào ESMA. Các tù nhân vào đây chỉ được gọi bằng những con số. 

Một lần, Graciela bị đưa đến phòng của Jorge Acosta, một đại úy hải quân đứng đầu lực lượng đặc nhiệm ở ESMA. Trong căn phòng lờ mờ, Acosta mặc chiếc áo phông màu xanh nhạt. Gã để một chiếc bánh trước mặt Graciela. 

"Cô có muốn một ít bánh mỳ không?", Acosta hỏi. "Vâng, có ạ", Graciela trả lời. Cô đang rất đói.  "Được, ngày mai tôi sẽ đưa cô rời khỏi đây", Acosta nói. 

Sau những lời lẽ đó, Graciela biết điều gì sắp tới. Ngày hôm sau, cô cùng một số nữ tù nhân được đưa tới một căn hộ dành cho các sĩ quan hải quân Argentina. Ở đó, các nữ tù nhân bị cưỡng hiếp, hành hạ rồi bị đưa trở lại ESMA. 

Sau lần đó, Graciela tiếp tục được đưa đến một nhà nghỉ cùng các nữ tù nhân khác. Acosta cùng các sĩ quan hải quân có mặt ở đó. "Hãy lựa chọn đối tác đi nào các chàng trai", Acosta nói.

Sau những năm tháng bị hành hạ và cưỡng hiếp tại ESMA, Graciela cuối cùng cũng được đưa ra khỏi trại tập trung này vào năm 1978. Theo chia sẻ của Graciela, tất cả các nữ tù nhân bị giam giữ tại ESMA trong năm 1976 đều bị cưỡng hiếp.

Những đứa trẻ được trao cho kẻ thù nhận nuôi

Một tấm bảng có ảnh của những đứa trẻ được tìm thấy và nút chai rượu ăn mừng ở thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Erica Canepa

Một buổi chiều mùa thu năm 1983, bác sĩ nhi khoa Jorge Meijide được mời tới một căn hộ ở thị trấn nhỏ Acassuso, ngoại ô thành phố Buenos Aires. 

Bệnh nhân 6 tuổi của Meijide chỉ bị cúm nhẹ nhưng vị bác sĩ cảm thấy có điều gì đó bất bình thường ở gia đình này. Người phụ nữ tự nhận là mẹ của đứa trẻ dường như không phù hợp làm mẹ ở độ tuổi đó. Một loạt ảnh gắn trên các bức tường trong nhà là hình ảnh một người đàn ông mặc quân phục, có lẽ là "bố" của cậu bé. 

Vào thập niên 1980 ở Argentina, 2 chi tiết trên cho thấy một sự thật. Quốc gia Nam Mỹ dần trở lại chế độ dân chủ sau cuộc chiến "Dirty War" do chế độ độc tài quân sự dưới quyền Jorge Videla thực hiện.

Hậu đảo chính năm 1976, quân đội Argentina bắt đầu đàn áp phe đối lập. Hơn 30.000 người bị giết hoặc mất tích. Các nữ tù nhân có thai được giữ mạng sống cho tới khi sinh con. Theo Guardian, ít nhất 500 trẻ sơ sinh bị tách khỏi cha mẹ (những người đang bị giam cầm) và được đưa cho chính các quân nhân - những người giam giữ, tra tấn bố mẹ đẻ của những đứa trẻ - nhận nuôi. 

Tới năm 1983, vụ việc về hàng trăm "con nuôi" này mới được đưa ra ánh sáng. Nhưng phải đến năm 2021, các nỗ lực quy mô lớn mới được thực hiện để xác định danh tính của những đứa trẻ thời kỳ đó. 

Quay trở lại câu chuyện về bác sĩ Meijide. Vị bác sĩ người Argentina kể lại những gì đã thấy về bệnh nhân 6 tuổi cho thành viên của Abuelas de Playa de Mayo - một tổ chức nhân quyền có sứ mệnh tìm kiếm những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ đẻ và trao cho các quân nhân trong giai đoạn 1976-1983. Bác sĩ Meijide không có ảnh của đứa trẻ nhưng với năng khiếu vẽ, ông đã hoàn thành bức chân dung về đứa trẻ dù chỉ gặp một lần. 

Bức vẽ được gửi cho họ hàng của những người đang tìm kiếm người thân mất tích trong giai đoạn 1976-1983. Một phụ nữ có con bị bắt cóc ở thành phố Mar del Plata năm 1977 nhận thấy nét tương đồng của đứa trẻ với gia đình cô.

Điều đó đủ để người phụ nữ khiếu nại với chính quyền địa phương, những người đề nghị gia đình cậu bé xét nghiệm ADN. Jorge Vildoza, sĩ quan hải quân cấp cao của Argentina, đồng thời là nhân vật chính trong loạt bức ảnh treo tường trong ngôi nhà của cậu bé 6 tuổi, bị triệu tập ra hầu tòa. Trong cơn hoảng loạn, Vildoza mang theo đứa trẻ, trốn khỏi Argentina. Vildoza được các tù nhân sống sót ở trại tập trung ESMA xác định là chỉ huy thứ hai tại trại tập trung khét tiếng này. 

Baltasar Garzón, một cựu thẩm phán Tây Ban Nha, tin rằng ẩn sau hành động cướp con của các tù nhân là một thứ gì đó tàn bạo. 

"Việc chiếm đoạt con cái cũng như hiếp dâm phụ nữ bao giờ cũng nhằm làm nhục và khuất phục kẻ thù. Cướp đi con cái của kẻ thù được xem là một con bài để uy hiếp. Phương pháp được sử dụng ở Argentina đặc biệt tàn nhẫn: Đợi người mẹ sinh con, sau đó cướp đứa trẻ, tra tấn người mẹ tới chết".

Trong nhiều thập kỷ, hàng trăm đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi chính những kẻ chịu trách nhiệm về việc tra tấn và sát hại cha mẹ ruột của chúng. Sau khi Argentina khôi phục chế độ dân chủ, các thành viên của chế độ quân đội độc tài đã bỏ trốn cùng những đứa trẻ tới những quốc gia không có hiệp định dẫn độ.

-----------------------

Đầu Thế chiến II, nhiều gia đình có con và người thân khuyết tật ở Đức rơi vào trạng thái hoang mang khi người thân bị đưa tới những địa điểm không xác định. Rồi một ngày, họ nhận được lọ tro cốt và hung tin về người thân. Đằng sau những vụ việc này là một chương trình đáng sợ của Adolf Hitler liên quan tới các trung tâm trợ tử (mà thực chất là cưỡng tử - bắt phải chết). Mời độc giả đón đọc bài kỳ tới đăng  lúc 19h ngày 3/9 để tìm hiểu thêm về chương trình này.

Theo ([Tên nguồn])
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/chuyen-bay-tu-than-va-noi-kinh-hoang-o-trai-tap-trung-khet-tieng-cua-argentina-c415a1486620.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/chuyen-bay-tu-than-va-noi-kinh-hoang-o-trai-tap-trung-khet-tieng-cua-argentina-c415a1486620.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Chuyến bay tử thần" và nỗi kinh hoàng ở trại tập trung khét tiếng của Argentina