Chuyển biến hiện hữu trong chuyển đổi số ngành Giáo dục

Minh Phong | 06/05/2023, 12:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với hàng loạt chính sách được ban hành, chuyển đổi số dần hiện hữu trong các cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô và học trò.

Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, sở đã cập nhật, thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu của 856 trường mầm non, phổ thông; hơn 30.400 hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý; gần 496.000 hồ sơ, kết quả học tập, sức khoẻ của học sinh. Ngoài ra, sở kết nối và xác thực định danh hồ sơ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được trên 476.000 hồ sơ của học sinh, hơn 29.400 hồ sơ cán bộ, giáo viên, đạt tỷ lệ trên 96%.

Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh Hải Dương đã sử dụng phần mềm quản lý điểm, hồ sơ điện tử, kết nối API với cơ sở dữ liệu ngành thông tin về trường lớp, đội ngũ, học sinh, cơ sở vật chất. 90% hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến; 100% văn bản của sở được phát hành dưới dạng văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, liên thông với trục văn bản quốc gia.

Chuyển biến hiện hữu trong chuyển đổi số ngành Giáo dục ảnh 2
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình, Trường Tiểu học xã Phố Cáo trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Thời gian tới, ngành Giáo dục Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục. Ngoài nội dung trong chương trình của Bộ GD&ĐT, địa phương sẽ phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã ký ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Kế hoạch này nhằm tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Đồng thời, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục. Mặt khác, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi thầy - trò. Cùng với đó, triển khai thống nhất một số nền tảng dạy - học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh sử dụng. Tỉnh cũng hình thành kho học liệu trực tuyến, đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở cấp tiểu học, 10% ở bậc trung học.

Đến năm 2030, tỉnh Bình Định phấn đấu đưa toàn bộ hệ thống giáo dục vào môi trường số. Trong đó, hoàn thiện nền tảng dạy - học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số và hỗ trợ 100% học sinh, giáo viên tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến. Qua đó, có thể đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định phấn đấu, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Chuyển biến hiện hữu trong chuyển đổi số ngành Giáo dục ảnh 3

Ở tuổi 53, cô Châu Thanh Tuyền, Trường Tiểu học A An Phú vẫn tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ảnh: NVCC

“Hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số

Thực tế cho thấy, ngành Giáo dục đang “hòa mình” vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, bước đầu đạt những kết quả khả quan. Tại Hội thảo về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông.

Bộ GD&ĐT đồng thời số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh; hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý đến từ 53.000 trường học. Bộ đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ cũng đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%), gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%). Trong năm 2022, thông qua hệ thống dịch vụ công, Bộ đã tiếp nhận thành công hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đăng ký trực tuyến hơn 93%...

Theo thống kê, có 63 sở GD&ĐT, 710 phòng GD&ĐT đã xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục. Hiện có 82% các trường thuộc khối phổ thông sử dụng phần mềm để quản lý trường học. Đáng chú ý, kho học liệu số, học liệu mở được xây dựng với 7.000 bài giảng điện tử, hơn 31.000 câu hỏi trắc nghiệm, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy học tập suốt đời của người dân.

Trong năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai kết nối dữ liệu người học (Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học) với dữ liệu bảo hiểm (Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường. Trước mắt, sẽ ưu tiên các nội dung chuyển đổi số chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sắp tới; trong đó chú ý tiên liệu trước các vấn đề, tính toán để có thể rút gọn một số khâu.

Từ những câu chuyện trên cho thấy, chuyển đổi số trong giáo dục muốn thành công cần thay đổi từ tư duy, nhận thức của giáo viên, học sinh và nhà quản lý. Thay đổi để tiếp cận tri thức và tiến bộ mỗi ngày. Điều đó phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi thầy - trò lẫn cơ sở giáo dục.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-bien-hien-huu-trong-chuyen-doi-so-nganh-giao-duc-post636958.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-bien-hien-huu-trong-chuyen-doi-so-nganh-giao-duc-post636958.html
Bài liên quan
Giảng viên trẻ miệt mài góp sức chuyển đổi số
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (sinh năm 1980, Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) luôn có khát vọng góp sức nhỏ của mình cho sự phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển biến hiện hữu trong chuyển đổi số ngành Giáo dục