Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử

Nguyễn Tuấn Khang | 27/07/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cụ Nguyễn Công Hoàn là danh sĩ đứng thứ ba trong “Tứ hổ Tràng An” (nhất Quỳnh, nhị Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn). Tài liệu của dòng họ ghi lại rằng cụ vốn nổi tiếng tài năng nhưng lại lận đận đường khoa cử, sau cụ chỉ làm thầy giáo.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 6, năm Đinh Mão (1687), cụ Nguyễn Công Hoàn dự thi ở trường huyện đứng đầu Tứ trường, khoa thi khảo ngạch ở hai ty đứng đầu bảng ưu.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 11, năm Canh Ngọ (1690), cụ ứng khảo cùng ông Lê Anh Tuấn (quê ở Thanh Mai). Thân phụ của cụ Lê Anh Tuấn lại đương chức Hiến phó quan huyện, tình ý có hơi khác nên việc thứ tự nhất nhì không hoàn toàn do văn. Từ đó, trong lòng cụ sinh ra bất bình, 4 lần thi hơn cụ Lê Anh Tuấn thì quan huyện cho bằng. Cụ Nguyễn Công Hoàn thi ngang bằng thì quan huyện cho cụ Lê Anh Tuấn hơn. Vì vậy, cụ Nguyễn Công Hoàn càng không chịu khuất phục, sự bực dọc lộ ra nét mặt cụ biến thành phấn khích, đến nỗi sinh ra nhiều chuyện về sau.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 11, năm Canh Ngọ (1690), cụ Công Hoàn dự thi văn sách của trường thứ tự phê ban đầu còn thiếu sót vài chữ nên bị rớt.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 3

Sĩ tử thời phong kiến lều chõng đi thi. Ảnh minh họa.

Niên hiệu Chính Hòa thứ 14, năm Quý Dậu (1693), cụ Nguyễn Công Hoàn khi đó tròn 25 tuổi, quyển văn sơ phúc dám phê có thiếu sót nhưng vẫn trúng hạng ưu xuống thứ hai. Khoa thi này, cụ Tạ Đăng Huân (1672-1741, người xã Đại Phùng, huyện Đan Phượng - nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng, Hà Nội) trúng Giải nguyên (đỗ đầu).

Niên hiệu Chính Hòa, năm Giáp Tuất (1694), cụ thi Hương bị rớt kì thứ ba. Niên hiệu Chính Hòa, năm Đinh Sửu (1697), cụ thi Hương cũng bị rớt kỳ thứ ba. Niên hiệu Chính Hòa, năm Canh Thìn (1700), cụ thi Hương rớt ở kỳ thứ nhất. Niên hiệu Chính Hòa thứ 24, năm Quý Mùi (1703), cụ thi Hương với bài phú “Hải nội bình thăng” đứng đầu bảng nhất. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 1, năm Ất Dậu (1705), cụ ứng thi khảo Bộ Lại đỗ đầu.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2, năm Bính Tuất (1706), cụ thi Hương lại trúng Tam trường. Nhận chức Huấn đạo phủ Quốc Oai (đứng đầu ngành giáo dục của một phủ). Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 3, năm Mậu Tý (1708), cụ thi Hương, trong khi nộp quyển sổ đăng ký tên những người khá về văn học, cụ mâu thuẫn với quan Hiến xứ là cụ Nguyễn Trù, cụ bèn từ chức.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6, năm Canh Dần (1710), cụ thi Hội trúng Tam trường liền 3 khoa. Bài văn sách của cụ sơ bộ duyệt được xếp hạng cao. Nhưng khi xét từng nét chữ thì cụ bị truất vì sai vài chữ

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8, năm(1712), cụ thi Hội trúng Tam trường. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14, năm Mậu Tuất (1718), cụ đi thi Hội rớt ở kỳ thứ ba, trúng Tam trường. Khoa thi này, cụ thi cùng con trai là Nguyễn Bá Lân cũng rớt ở kỳ thứ tư. Niên hiệu Bảo Thái thứ 2, năm Tân Sửu (1721), cụ thi Hội bị rớt kỳ thứ nhất. Niên hiệu Bảo Thái thứ 5, năm Giáp Thìn (1724), cụ thi Hội ở kỳ thứ hai, đứng đầu các sĩ tử. Đến kỳ thứ ba, Sơ phó cũng hơi thiếu sót để xem lại nhưng đến khi phúc khảo, xét tìm tòi từng nét chữ sai sót nhỏ khiến cụ lại bị truất. Từ đó, cụ không vào thi nữa.

Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử ảnh 4

Một bậc cao niên trong Dòng họ Nguyễn thủy tổ hiệu Phúc tướng chia sẻ câu chuyện về cụ Nguyễn Công Hoàn với PV.

Niên hiệu Bảo Thái thứ 8, năm Đinh Mùi (1727), cụ thi Hội tuy rớt ở kỳ thứ ba nhưng bài thơ phú của cụ vẫn được truyền tụng, các nhà nho có tiếng ai cũng khen ngợi là hay kỳ lạ. Niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 1 (1729) lúc này, cụ Nguyễn Công Hoàn đã 59 tuổi, bỗng mắc bệnh mê man bất tỉnh 5- 6 tháng cụ mới đỡ đau nhưng biến thành bệnh hay quên.Văn chương thơ phú tuy không giảm so với trước nhưng tinh thần khí lực không được như xưa. Từ đó, cụ không đi thi nữa.

Tài liệu của dòng họ ghi chép lại còn luyến tiếc tài năng của cụ Nguyễn Công Hoàn: “Tiếc thay con người tài danh quán thế, không hề nghĩ tới giàu sang, chỉ muốn nêu tên trên khoa bảng, tự thân trông thấy chí nguyện được đền đáp, trời đất quá khắt khe với người nỗ lực, gần 60 tuổi cụ vẫn chưa thành đạt. Cuối đời mang bệnh, giảm sút về tính văn chương, không thể đem tài tử mà giành phần thắng ở khoa trường được mà ôm hận nỗi bình sinh thật đáng than thở!”

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-chua-ke-ve-cha-con-luc-bo-thuong-thu-nguyen-ba-lan-tai-danh-nhung-lan-dan-chuyen-khoa-cu-post602249.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-chua-ke-ve-cha-con-luc-bo-thuong-thu-nguyen-ba-lan-tai-danh-nhung-lan-dan-chuyen-khoa-cu-post602249.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện chưa kể về cha con Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân: Tài danh nhưng lận đận chuyện khoa cử