Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tạo đòn bẩy đột phá

Lường Toán | 07/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đã mang lại bước đột phá. 

Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tiết kiệm thời gian, nhà giáo có thêm thời gian cho chuyên môn, sát sao học sinh hơn.

ChatGPT thành trợ giảng

“Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học mang lại hiệu quả cho cả thầy và trò, nhất là đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Đây là đánh giá của cô Bùi Thị Thu, giáo viên (GV) Tiếng Anh, Trường THCS Bắc Sơn (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Cô Thu cho rằng, sử dụng sách điện tử trong giảng dạy tiếng Anh mang lại nhiều hiệu quả. GV không chỉ thuận tiện khi soạn giảng, mà còn trực tiếp chữa lỗi cho học sinh (HS) bằng bút điện tử. Các em vừa có thể quan sát vừa nghe chính người bản địa giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhờ vậy, tiết học trở nên sống động và lôi cuốn hơn, khác hẳn với cách học truyền thống trước đây.

Học bài qua tivi thông minh kết nối Internet, em Lê Minh Anh (lớp 8B, Trường THCS Bắc Sơn) cảm nhận được sự sinh động, hấp dẫn qua từng bài giảng. Đặc biệt, với môn khó như Tiếng Anh, bản thân thấy dễ hiểu và ngày càng hứng thú hơn.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng, năm học 2022 - 2023, Trường THCS Bắc Sơn bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đẩy mạnh tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, đơn vị còn dẫn đầu thành phố với hình thức thu tiền học phí không bằng tiền mặt. Theo thống kê, có 98% phụ huynh HS sử dụng cách thức này.

Ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, ngôi trường thành phố biển này còn ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào dạy học, với 4 phòng học thông minh. Hầu hết phòng học đều trang bị tivi có kết nối mạng. Các loại sách điện tử phục vụ cho môn Tiếng Anh cũng được ứng dụng để nâng cao chất lượng dạy và học.

“Với những thí nghiệm độc hại hoặc thực hiện khó, GV có thể cho HS quan sát các thí nghiệm ảo thông qua tivi thông minh, kết nối mạng. Nếu như trước đây, thầy cô thường phải mang tranh lên lớp thì giờ đây HS hoàn toàn có thể quan sát với hình ảnh 3D vô cùng sinh động. Rõ ràng, ứng dụng CNTT vào dạy học mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa tiết kiệm thời gian vừa tạo ra tiết học sinh động, hấp dẫn”, thầy Dũng chia sẻ và thông tin:

Năm học tới, nhà trường tiếp tục ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy. Phấn đấu đạt 99% tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến và 100% nộp học phí không bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xem xét ứng dụng ChatGPT để hỗ trợ GV, đặc biệt là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.

Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tạo đòn bẩy đột phá ảnh 1

Học sinh lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan tự tin thuyết trình với bút điện tử, tivi thông minh. Ảnh: TG

Hướng tới trường học không bụi phấn

Đây là mục tiêu của thầy và trò Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hóa) trong thời gian tới. Chia sẻ điều này, thầy Dương Minh Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, chuyển đổi số trong giáo dục được nhà trường triển khai từ năm học 2021 - 2022. Trong đó, tập trung đầu tư hệ thống tương tác thông minh U-Pointer 3 kết hợp với tivi màn hình cường lực. Đồng thời, sử dụng thiết bị camera vật thể để chụp, chiếu hình ảnh và sử dụng các phần mềm trực quan như I-Pro 5, MozaBook hay sách điện tử...

“Nhà trường dành một tiết học vào ngày thứ Tư trong tuần để tập huấn, nâng cao kỹ năng trong dạy học cho GV. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các tiết học ứng dụng CNTT. Chúng tôi xác định, không chỉ sử dụng giáo án điện tử, mà còn đổi mới việc dạy và học. GV sẽ sử dụng đa dạng kênh hình, kênh tiếng, học liệu điện tử. Qua đó, HS được tăng cường khả năng tự tìm tòi, khám phá, thuyết trình.

Hiện, HS khối lớp 6 sử dụng được PowerPoint, phần mềm vẽ sơ đồ tư duy hay các phần mềm trên tivi thông minh để học tập. Nhà trường sẽ chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi hoạt động; hướng tới sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử và ký duyệt giáo án điện tử. Ngoài ra, nhà trường cũng tận dụng sức mạnh của chuyển đổi số trong việc tuyên truyền các hoạt động giáo dục trên nền tảng mạng xã hội...”, thầy Minh Anh nói.

Chia sẻ về mục tiêu trong năm học tới, Hiệu trưởng Dương Minh Anh trao đổi: Nhà trường tiếp tục làm tốt công tác chuyển đổi số, hướng tới trường học không bụi phấn với việc sử dụng bút điện tử. Phấn đấu 100% phòng học được trang bị hệ thống tương tác thông minh, mua bản quyền phần mềm giảng dạy cho tất cả môn học và phát triển ký số cho GV toàn trường.

Tự tin thuyết trình trước lớp bài báo cáo, Đỗ Hiển Vinh (lớp 6C, Trường THCS Cù Chính Lan) trình bày một cách ngắn gọn, súc tích. Điều đặc biệt, dù mới học lớp 6 nhưng Vinh sử dụng thành thạo thiết bị tương tác thông minh trên màn hình tivi. Cậu học trò hồ hởi nói: “Với em, môn Khoa học tự nhiên giờ đây vô cùng thú vị, không chỉ giúp em có thêm thật nhiều kiến thức, mà còn hiểu biết hơn về công nghệ”.

Đối với Trường Tiểu học Lương Nội, huyện miền núi cao Bá Thước (Thanh Hóa), năm học này, nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường, 100% phòng học của trường được lắp đặt máy chiếu hoặc tivi.

Với mục tiêu xóa mù công nghệ cho học trò vùng khó, năm học này nhà trường được đầu tư một phòng máy tính, phục vụ giảng dạy môn Tin học theo chương trình mới. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là GV giảng dạy môn học này.

Giải pháp của nhà trường là sử dụng GV Toán - Tin của bậc THCS để giảng dạy Tin học. Tuy nhiên, hiện Trường Tiểu học Lương Nội có 2 điểm trường, cách nhau tới 6 km, vì vậy việc giảng dạy cũng gặp nhiều thách thức.

“Với những tiết lý thuyết, GV có thể lên điểm trường lẻ để giảng dạy. Tuy nhiên, với giờ học thực hành, HS buộc phải tới phòng máy tại điểm trường chính để học tập. Do đó, nhà trường mong UBND tỉnh có thể xem xét đầu tư mỗi điểm trường một phòng máy tính, để HS vùng khó không phải lặn lội quãng đường rất xa, nhất là vào mùa mưa bão”, thầy Cường bộc bạch.

Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT Bá Thước, cho biết, hiện tất cả trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều được UBND huyện đầu tư một phòng máy tính. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu GV giảng dạy môn học này. “Huyện tạm thời sử dụng GV môn Toán - Tin THCS để giảng dạy liên trường. Với một số đơn vị không thể dạy liên trường, huyện hỗ trợ nguồn kinh phí để tuyển GV hợp đồng. Chúng tôi mong các cấp, ngành sớm nghiên cứu phân bổ nguồn cho vùng khó. Đồng thời, nghiên cứu chính sách đãi ngộ để thu hút nhiều nhân lực chất lượng tốt về địa phương”, ông Nhiên bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục tạo đòn bẩy đột phá