Trồng người

Chuyên gia chỉ cách chăm sóc trẻ tự kỷ

Phạm Hoa 13/04/2024 07:00

(GDTĐ) - So với những trẻ phát triển bình thường, việc chăm sóc trẻ tự kỷ khó hơn rất nhiều. Trẻ tự kỷ có đặc điểm là chỉ tập trung vào cái mình thích nên không bao giờ để ý đến những gì cha mẹ đang nói với mình. Vậy nên các bậc phụ huynh có con tự kỷ cần thật sự kiên nhẫn khi giáo dục và chăm sóc cho trẻ tại nhà.

Sau hơn nửa thế kỷ làm việc với trẻ chậm phát triển, bác sĩ Glenn doman, chuyên gia về trẻ chậm phát triển, đã đưa ra những phương pháp giúp cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tự kỷ một cách tốt nhất.

Giúp đỡ người thân trong gia đình: Lấy đồ đạc giúp cha mẹ ông bà, mở cửa đóng cửa khi có người ra vào, bật tắt các thiết bị trước và sau khi sử dụng. Dù bé có làm được hay không thì não bé vẫn phải vận động, điều này sẽ khiến bé tự phục hồi nhanh hơn. Khi dạy trẻ tự kỷ làm việc, hãy thật kiên nhẫn, nhẹ nhàng, chỉ dẫn cho đến khi nào bé có thể tự làm thì chuyển sang hướng dẫn việc khác.

Cho bé đi bộ: Khi đi bộ nhiều, chứng táo bón thường thấy ở trẻ tự kỷ cũng sẽ tự thuyên giảm đôi chút, đồng thời xương bé cũng sẽ cứng cáp hơn. Khuyến khích bé thực hiện những dạng vận động có lợi cho phát triển thần kinh như: leo trèo cầu thang, đu xà trẻ em, giúp bé chơi những trò chơi dốc đầu xuống thấp như lộn tùng phèo, trồng chuối, chổng mông, nằm trên giường thò đầu xuống đất.

Đây là những trò chơi vận động giúp tăng oxy não, khiến bé dễ chịu, nên bản thân bé rất thích. Chỉ khuyến khích đi, hạn chế hành vi chạy. Nếu bé chạy, hãy níu bé lại bắt buộc phải bước đi. Tập cho bé biết bơi càng sớm càng tốt và bơi ở hồ người lớn (theo phương pháp dạy bơi lội cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển tâm thần). Bơi lội là một liệu pháp phụ trợ giúp phục hồi cho trẻ chậm phát triển khá hiệu quả, hiện được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, và tất nhiên môn thể thao này rất tốt với tất cả mọi người.

Tập cách giao tiếp bằng mắt với trẻ: Trẻ tự kỷ thường ít giao tiếp bằng mắt, do đó, khi luyện tập được thói quen này sẽ giúp trẻ tương tác với người xung quanh hay mở rộng quan hệ xã hội hơn.

Trước tiên hãy sử dụng những đồ chơi, đồ ăn, vật hoặc những hoạt động mà con thích để trẻ chủ động dùng nhìn mắt nhiều hơn. Đưa những vật đó gần với mắt bạn hoặc có thể dán hình ngộ nghĩnh lên trán mình để thu hút sự chú ý của bé, hoặc có thể di chuyển chúng qua lại một cách thích thú và hấp dẫn. Khi giao tiếp với trẻ bạn nên ngồi vị trí ngang tầm mắt với trẻ để việc giao tiếp bằng mắt hiệu quả hơn.

Quan sát và tham gia các hoạt động cùng trẻ: Phương pháp này giúp bố mẹ hiểu rõ trẻ muốn gì và sở thích chơi như thế nào. Sau đó hãy tham gia hoạt động đó cùng với con. Trẻ sẽ là người dẫn dắt cha mẹ vào hoạt động. Cha mẹ cùng chơi với trẻ sẽ giúp tạo sự gắn kết, giúp mối quan hệ gần gũi hơn. Từ đó, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ dần dần biết cách chơi đa dạng hơn, đúng chức năng hơn.

Tăng các tương tác cơ thể: Bố mẹ nên dạy trẻ nhận biết: gật đầu là đồng ý hay lắc đầu là không đồng ý. Bố mẹ cũng có thể dạy trẻ nhận biết được các cung bậc và trạng thái cảm xúc: vui, buồn, tức giận, bất ngờ, nghi ngờ... đồng thời dạy trẻ biểu đạt được các cảm xúc đó trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Qua đó, giúp trẻ nhận thức được cảm xúc của bản thân mình và những người xung quanh, nâng cao chất lượng giao tiếp và giúp cho trẻ điều chỉnh được cách ứng xử phù hợp trong các bối cảnh và tình huống xã hội khác nhau.

Tạo nhu cầu cho trẻ tự kỷ: Trẻ đặc biệt của chúng ta thường ít khi thể hiện nhu cầu tương tác với người khác, trừ khi trẻ có nhu cầu cần sự giúp đỡ. Vì vậy, để giúp trẻ giao tiếp tốt hơn, cha mẹ nên sắp đặt môi trường, tạo ra các tình huống để khuyến khích trẻ thể hiện nhu cầu càng nhiều càng tốt với ba mẹ. Một số chiến lược sau cha mẹ có thể tham khảo:

Để những đồ vật trẻ yêu thích “trong tầm nhìn - ngoài tầm với” nghĩa là chúng ta đặt lên cao, khiến trẻ khó có thể với tới được, nhưng lại để trong tầm mắt trẻ, khiến trẻ dễ bị thu hút. Hoặc cũng có thể để các đồ chơi này trong hộp đựng trong suốt, nhưng khó mở nắp, vì điều này sẽ kích thích trẻ nói ra nhu cầu muốn lấy đồ vật đó.

Cho trẻ lựa chọn bằng cách đưa những thứ mà con không thích hoặc cho trẻ lựa chọn giữa đồ vật thích và không thích. Không nên đưa ngay tất cả đồ chơi hoặc đồ ăn cho trẻ, nên đưa từng đồ một để trẻ có nhiều cơ hội giao tiếp hơn.

Khen thưởng cho trẻ: Khen ngợi bằng lời nói, hành động khi trẻ làm đúng bằng cách ôm và tặng cho con những vật hữu hình yêu thích... Điều này giúp trẻ mắc hội chứng tự kỷ tăng động lực và biết điều mình làm đúng.

Lưu ý: Khi chăm sóc trẻ tự kỷ, hãy chịu khó thay đổi những thói quen sinh hoạt quen thuộc của bé để não bé vận động nhiều hơn, bé thích nghi với đời sống tốt hơn. Đây là một cách “trị liệu” thật giản đơn nhưng lại khá hiệu quả của tất cả các gia đình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chỉ cách chăm sóc trẻ tự kỷ