Chuyên gia hiến kế hỗ trợ, giáo dục người có rối loạn phát triển

20/04/2024, 18:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 20/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Thúc đẩy phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển".

Tập hợp nhiều báo cáo tâm huyết

Chương trình do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chủ trì tổ chức cùng sự tham gia của các nhà tài trợ, cán bộ, giáo viên tại các trung tâm trực thuộc Hội trên cả nước, các chuyên gia về giáo dục đặc biệt trong nước và quốc tế. Hội thảo được kết nối trực tuyến tới các chuyên gia tại Hà Lan, Nhật Bản, Malaysia.

PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.
PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết, ban tổ chức đã lựa chọn được 34 bản tham luận của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Các báo cáo được gửi từ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực như: Giáo dục đặc biệt, y tế, tâm lý lâm sàng, tâm lý học đường, công tác xã hội.

Sự phong phú của các báo cáo và sự nhiệt tình tham gia của các chuyên gia đa ngành đối với các công bố khoa học lần này đã thể hiện rõ nét tinh thần của hội thảo là hướng đến thúc đẩy tính liên ngành trong đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển.

PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tại đây, đại biểu được lắng nghe các báo cáo về các mô hình đánh giá, can thiệp dành cho người rối loạn phát triển ở nhiều đơn vị đã và đang triển khai. Trong đó có: Mô hình nhóm đa ngành tại 6 bệnh viện ở Huế, Quảng Nam và Quảng Trị; mô hình Phối hợp liên ngành tại Trung tâm Sao Mai; mô hình liên ngành tại Bệnh viện Vinmec Times City...

Hội thảo cũng tập trung thảo luận các báo cáo về chủ đề "Các lực lượng phối hợp liên ngành trong đánh giá, can thiệp người rối loạn phát triển". Điều này mở ra một góc nhìn mới với những gợi mở và sự quan tâm cụ thể về cách phối hợp trực tiếp và gián tiếp giữa các lực lượng trong mô hình tiếp cận liên ngành sao cho hiệu quả...

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực tới tham dự, trao đổi ý kiến.
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực tới tham dự, trao đổi ý kiến.

"Điểm mới của hầu hết các báo cáo khoa học lần này là đều chú ý tới tính hợp tác đa ngành, liên ngành trong bối cảnh đánh giá, can thiệp, giáo dục và hỗ trợ người có rối loạn phát triển hiện nay. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế, thách thức; gợi mở hướng nghiên cứu và các giải pháp trong tương lai gần nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu người có rối loạn phát triển" - PGS.TS Trần Thị Lệ Thu nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm

Các đại biểu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi với nhóm chuyên gia từ Nhật Bản về vấn đề hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục người có rối loạn phát triển.Các đại biểu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi với nhóm chuyên gia từ Nhật Bản về vấn đề hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục người có rối loạn phát triển.
Các đại biểu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt câu hỏi với nhóm chuyên gia từ Nhật Bản về vấn đề hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục người có rối loạn phát triển.

Từ điểm cầu trực tuyến, GS.TS Yoko Kado đến từ Đại học Kansai cho biết, ở Nhật Bản hiện đang tập trung vào việc đánh giá về sự phát triển trí tuệ, trong đó có năng lực kiến thức của trẻ. Đồng thời, các nghiên cứu cũng đánh giá về kỹ năng học tập như đọc - viết của nhóm đối tượng khuyết tật trí tuệ.

Các chương trình, biện pháp để hỗ trợ kỹ năng tự lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ cũng được triển khai tại Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu của GS Yoko Kado cũng tập trung vào các giải pháp để chăm sóc sức khỏe tinh thần, giảm thiểu stress cho các em. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để dạy Tiếng Anh cho trẻ bị khuyết tật trí tuệ.

Hai vị chuyên gia đến từ Nhật Bản: GS.TS Satoshi Sanada và GS.TS Yoko Kado cùng giải đáp những câu hỏi từ các đại biểu tham dự hội thảo.
Hai vị chuyên gia đến từ Nhật Bản: GS.TS Satoshi Sanada và GS.TS Yoko Kado cùng giải đáp những câu hỏi từ các đại biểu tham dự hội thảo.

"Chúng tôi mong muốn được lắng nghe, tiếp nhận thêm nhiều thông tin chia sẻ trong những nghiên cứu từ Việt Nam liên quan đến thực tiễn giáo dục, hỗ trợ cho trẻ bị rối loạn phát triển. Ở Nhật Bản cũng còn một số vướng mắc khi triển khai việc này. Do đó, hai bên hoàn toàn có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong vấn đề này", GS.TS Yoko Kado bày tỏ.

Trao đổi về vấn đề dùng thuốc trong quá trình điều trị kết hợp can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, GS.TS Satoshi Sanada nhấn mạnh, các bác sĩ sẽ phải giải thích rất cặn kẽ cho cha mẹ trẻ về tác dụng của thuốc cũng như các lưu ý kèm theo khi sử dụng. Cha mẹ cũng cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ về biểu hiện của trẻ và tác dụng phụ của thuốc. Từ đó sẽ có những liệu pháp điều trị phù hợp.

Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay tại đơn vị mình để các đơn vị bạn có thể học tập.Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay tại đơn vị mình để các đơn vị bạn có thể học tập.
Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay tại đơn vị mình để các đơn vị bạn có thể học tập.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để làm nổi bật sự phối hợp giữa các phương pháp đánh giá, can thiệp và giáo dục người có rối loạn phát triển. Từ đó tìm ra những giải pháp đúng đắn, khoa học, hiệu quả để mỗi đơn vị có thể áp dụng một cách linh hoạt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia hiến kế hỗ trợ, giáo dục người có rối loạn phát triển