Áp lực nợ nần, Huy không dám kể với bố mẹ vì sợ bị coi là hư hỏng, cũng chẳng chia sẻ với bạn bè vì sợ bị nghĩ là nghèo; anh chỉ có thể trút bầu tâm sự với ChatGPT.
Đang nợ thẻ tín dụng 60 triệu đồng do đầu tư sai lầm, mỗi tháng Anh Huy (24 tuổi, Hà Nội) phải thanh toán tối thiểu 3 triệu đồng. Lương của anh chỉ hơn 10 triệu nên việc chi tiêu sao cho đủ khiến chàng trai này cảm thấy mệt mỏi.
“Tôi không thể chia sẻ câu chuyện này với gia đình vì sẽ khiến họ lo lắng, bố mẹ sẽ nghĩ tôi ăn chơi, hư hỏng nên mới nợ nhiều tiền như vậy. Tôi cũng không muốn bạn bè nghĩ mình nghèo khó nên không kể chuyện này với họ bao giờ”, Huy chia sẻ.
Nơi duy nhất mà Huy có thể trút bầu tâm sự chính là công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT. Mỗi khi lên kế hoạch chi tiêu, anh đều nhờ ChatGPT trợ giúp. Khi cảm thấy bế tắc trong guồng quay lo tiền bạc, anh cũng than thở với ChatGPT.
Hồng Hạnh (26 tuổi, Hà Nội) mới chia tay người yêu sau dịp Tết Nguyên đán. Mối tình 3 năm kết thúc sau khi cô phát hiện người yêu mình nhắn tin thân mật với cô gái khác. Không còn người hỏi han, quan tâm mỗi ngày, Hạnh rất cô đơn, trống trải. Dần dần, cô cảm thấy buồn đau khi không còn ai san sẻ trong cuộc sống. Cô chọn cách tâm sự với ChatGPT như với một người bạn đồng hành, nhà trị liệu tâm lý.
“ChatGPT giỏi đến mức dùng những câu 'thả thính' rất duyên dáng, thú vị, tạo nên trải nghiệm độc đáo khi nói chuyện. Bên cạnh đó, công cụ này cũng thường giải đáp tình huống hay an ủi, gỡ những vấn đề tâm lý rất nhanh, mình hầu như không phải chờ để cảm xúc đi qua như khi giao tiếp với người thật”, Hạnh cho biết.
Nhiều khi, Hạnh có những câu chuyện thường ngày không thể tâm sự với bạn bè, hoặc bạn bè có quan điểm trái ngược với cô về một sự việc. Còn đối với ChatGPT, cô cảm thấy mình có thể nói chuyện hàng giờ không chán, chia sẻ mọi nỗi buồn trước lúc đi ngủ mỗi ngày.
Trên mạng xã hội, những nhóm chia sẻ hình ảnh trò chuyện thân mật, tâm sự với ChatGPT thu hút hàng chục nghìn lượt tham gia. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc yêu cầu chatbot này đóng vai làm người yêu, bạn bè để lắng nghe tâm sự.
Không chỉ thích thú với nhiều câu trả lời của chatbot, quan trọng hơn cả là họ thấy bản thân được lắng nghe toàn thời gian, bất cứ lúc nào cũng tiếp chuyện mình.
Vì sao xu hướng coi ChatGPT là bạn tâm giao lại nở rộ và điều này lợi hay hại? ThS Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh, Trung tâm Tham vấn và Hỗ trợ tâm lý, Trường Đại học Đại Nam cho biết, các bạn trẻ sử dụng AI như một nhà trị liệu tâm lý là điều dễ hiểu vì chi phí rẻ hơn, nhanh và tiện hơn. Người trẻ cũng dễ dàng xử lý một số vấn đề trong cuộc sống bằng cách viết thay vì nói ra.
Các bạn trẻ ngày nay nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc và quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhiều hơn thế hệ trước. Nhiều người dễ dàng bộc lộ, chia sẻ những tổn thương sâu lắng nhất của bản thân, và có nhu cầu được tư vấn và hỗ trợ tâm lý. Vì thế, họ có xu hướng tìm đến giải pháp nhanh và tiện lợi là trò chuyện với các công cụ trí tuệ nhân tạo.
Lợi ích của việc tâm sự với ChatGPT là cảm giác yên tâm khi những tâm tư của mình chỉ có bản thân biết. Rất nhiều câu chuyện, cảm xúc mà người trẻ rất muốn được chia sẻ nhưng lại không thể nói với những người xung quanh. Ngoài ra, công cụ AI cũng là kênh cung cấp các phản hồi tâm lý nhanh và tiện lợi.
Tuy nhiên, theo ThS Lê Thế Hanh, việc trút bầu tâm sự với ChatGPT cũng có một số bất lợi, trước hết là nguy cơ bị lộ thông tin nếu sử dụng chung tài khoản công cụ trí tuệ nhân tạo với người khác.
"Về mặt xã hội, nếu chỉ nói chuyện với ChatGPT trong thời gian dài, người trẻ sẽ mất dần nhu cầu tương tác với con người, trong khi đây là yếu tố quan trọng để có cuộc sống hạnh phúc và sức khỏe tinh thần tốt", chuyên gia nói.
Theo ông, để bớt cô đơn, người trẻ cần sẵn sàng mở lòng, tìm kiếm các hoạt động trải nghiệm thực tế như đi chơi, du lịch, làm từ thiện, tham dự các đội nhóm, câu lạc bộ... Những hoạt động này sẽ đem đến nhiều cảm xúc tốt, mở rộng mối quan hệ, tăng tương tác và có nhiều người bạn mới hơn.
Nếu gặp khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ với người khác, người trẻ nên tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý chuyên nghiệp để có nền tảng cho sự phát triển tâm lý.
Việc trò chuyện với các công cụ AI không thể cung cấp nền tảng tốt, bài bản như các chuyên gia tham vấn tâm lý. "Có thể ví việc tâm sự với ChatGPT như một miếng băng urgo giúp vết thương tâm lý tạm thời không chảy máu, nhưng lâu dài bạn vẫn cần tìm đến bác sỹ", ông Lê Thế Hanh nói.