Đêm 25/12/2013, Tú đến nhà chị Q. để chơi. Trong lúc nói chuyện, thanh niên 18 tuổi bất ngờ rút con dao giấu trong người, đâm một nhát vào ngực "bạn gái trong mộng". Ngay sau đó, Tú cũng tự đâm dao vào ngực tự vẫn. Kẻ gây án và nạn nhân cùng được đưa đi cấp cứu nhưng cô gái 18 tuổi không qua khỏi do vết đâm vào trúng tim.
Đến năm 2016, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, cũng xôn xao vì một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra. Nạn nhân bị sát hại một cách tàn nhẫn tại nhà riêng.
Theo đó, Lê Văn Tú (30 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) quen chị V.T.N.H. (37 tuổi, ở TP Ninh Bình) qua mạng xã hội. Cả 2 nhen nhóm tình cảm yêu đương nên người phụ nữ 37 tuổi xin cho Tú vào làm công nhân một công ty tại TP Ninh Bình.
Sau khi xem xét lại mối quan hệ, chị H. quyết định chấm dứt với Tú. Tuy nhiên, yêu cầu này không được nam thanh niên quê Hà Nam đồng ý.
Ngày 11/10/2016, Tú đến nhà riêng của chị H. đòi nối lại tình cảm. Chị H. khi đó cương quyết đoạt tuyệt mối quan hệ "máy bay - phi công". Trong cơn cuồng tình, Tú lấy dây trói tay chị H., dùng một tay bóp cổ, tay còn lại cầm dao đâm nhiều nhát vào ngực trái của chị H. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Sau khi gây án, hung thủ lấy xe máy, tiền và giấy tờ của chị H. bỏ trốn. Hai ngày sau, kẻ thủ ác đến trụ sở công an đầu thú, khai nhận động cơ gây án là bị từ chối tình cảm. Tú sau đó nhận mức án tù chung thân về tội Giết người và Cướp tài sản.
Chuyên gia tâm lý lên tiếng
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, cho rằng việc bị từ chối trong các mối quan hệ yêu đương, thường gây tổn thương rất lớn.
"Khi bị từ chối, cơ thế chúng ta ở trong trạng thái như 'stress cấp' với sự thay đổi của các chất dẫn truyền thần kinh. Điều này khiến cá nhân mất khả năng kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như: Ấm ức, hụt hẫng, xấu hổ, tức giận... dẫn đến những hành vi xung đột", tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam phân tích.
Theo ông Nam, khi con người ở trong trạng thái trên, tùy theo tính cách và những giá trị đã được hình thành trước đó, người ta sẽ có những cách ứng xử khác nhau.
"Những người nóng tính, có hành vi hung hăng, lòng tự trọng thấp thường nhìn nhận sự từ chối theo hướng bị coi thường, hạ nhục. Từ đó, những hành vi như trả đũa bằng bạo lực sẽ nảy sinh. Trong khi đó, với người với tính cách yếu đuối, họ sẽ thu mình lại, tự trách bản thân, chìm trong suy nghĩ tiêu cực là bản chẳng có giá trị gì, và có thể sẽ rơi vào trầm cảm", chuyên gia tâm lý nói.
Tuy nhiên, ông Nam khẳng định dù thế nào, sự lựa chọn khi hành động phụ thuộc vào chúng ta. "Chúng ta có thể không hoàn toàn kiểm soát được nỗi đau của việc bị từ chối tình cảm, nhưng luôn có thể kiểm soát được hành động của mình, biến những cảm xúc tiêu cực thành hành động với những giá trị tích cực", ông Nam nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý cho rằng để làm được điều đó, việc giáo dục các giá trị từ khi còn nhỏ tuổi là rất quan trọng.
"Khi bị từ chối, đừng để điều đó đè nặng lên bản thân. Đừng xem nó như một thước đo giá trị con người. Đừng phản ứng bằng cách trả thù theo kiểu 'không ăn được thì đạp đổ'. Hãy để nó đi qua, không cần quan tâm đến nó vì chúng ta vẫn đang tiếp tục tiến về phía trước", PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.