Theo phiếu báo phát, định vị bưu gửi, tòa sơ thẩm triệu tập ông Hồ Nguyên Lễ làm việc vào ngày 16/5. Đến ngày 12/5, ông Lễ nhận được giấy triệu tập. Đến ngày hẹn, ông Lễ không đến làm việc, cũng không có văn bản trình bày ý kiến (vắng mặt lần thứ nhất).
Khi tòa sơ thẩm ra thông báo phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận chứng cứ hòa giải ngày 26/5, ông Hồ Nguyên Lễ nhận được thông báo và giấy triệu tập nhưng vắng mặt lần thứ hai, không có ý kiến trình bày.
Ngoài ra, trong đơn kháng cáo, ông Hồ Nguyên Lễ trình bày, cung cấp chứng cứ cho rằng các ngày 25, 26 và 27/5, ông Lễ không có mặt tại địa chỉ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM để nhận giấy triệu tập của tòa án. Ngày 28, 29/5 là thứ 7, chủ nhật. Đến ngày 30/5, ông mới nhận được giấy triệu tập, cũng là ngày tòa ra quyết định đình chỉ vụ án là khách quan.
Theo HĐXX, tài liệu và chứng cứ ông Lễ cung cấp theo đơn kháng cáo thể hiện việc ông này không có mặt tại địa chỉ được tòa án triệu tập vì lý do khách quan là không có căn cứ. Căn cứ khoản 16, Điều 70 và điểm c, khoản 1, Điều 217 bộ Luật tố tụng Dân sự, HĐXX cho rằng việc ông Hồ Nguyên Lễ vắng mặt 2 lần theo giấy triệu tập là không có lý do chính đáng.
Đối với tranh chấp của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Nguyễn Đức Hiển, CQĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố vụ án Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xảy ra tại Bình Dương. Do đó, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm giữa bà Phương Hằng và ông Đức Hiển.