"Mối quan hệ nồng ấm giữa Nhật Bản-Hàn Quốc có thể cản trở nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện hợp tác ba bên và tác động tiêu cực đến quan hệ của Trung Quốc với mỗi nước", ông Liu nói thêm. "Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Mối quan hệ an ninh được củng cố giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với Trung Quốc, Nga và Triều Tiên".
Shi Yinhong, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nói Hàn Quốc dưới thời ông Yoon đã nhanh chóng bắt kịp Mỹ và Nhật Bản trong một số vấn đề quan trọng liên quan tới Trung Quốc.
“Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy một liên minh quân sự ba bên, đồng thời cố gắng khiến Hàn Quốc giữ khoảng cách trong quan hệ với Trung Quốc", ông Shi nhận định. "Nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn những bất đồng và hai nước chưa thể sớm xích lại gần nhau hơn".
Nhật Bản hiện là đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Đông Á trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Ông Shi cho rằng, Hàn Quốc trong tương lai gần sẽ vẫn tỏ ra thận trọng.
Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, cũng cho rằng vẫn còn khoảng cách dù Seoul và Tokyo đang hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
"Chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, nhưng tâm lý chống Nhật vẫn còn đó và tình hình có thể thay đổi khi có một nhà lãnh đạo với quan điểm khác lên nắm quyền ở Hàn Quốc", ông Hardy-Chartrand nhận định.
Tổng thống Hàn Quốc là người ủng hộ chiến lược châu Á của Mỹ, bao gồm sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích Trung Quốc cũng lo ngại về cuộc gặp ba bên bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Nhật Bản trong tháng này. Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã mời ông Yoon tới dự hội nghị với tư cách là nhà quan sát.
Chuyên gia Liu đến từ Đại học Thanh Hoa, nói rằng "Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đạt được sự đồng thuận nhưng các bên vẫn đang theo đuổi những mục đích riêng", theo SCMP.