"Tôi đã làm tường trình, ký tên đầy đủ đúng theo thủ tục; ngân hàng cũng hỗ trợ tạm khóa tài khoản của người nhận tiền nhầm. Tuy nhiên, khi tôi tìm cách liên lạc với người nhận tiền nhầm là anh A. nhưng anh này không đồng ý hỗ trợ làm thủ tục tiếp theo với ngân hàng để tôi được nhận lại tiền" - anh Tr. kể.
Vậy là suốt hơn 4 tháng nay, anh Tr. liên tục đi lại giữa TP HCM (công ty nơi anh làm việc ở TP HCM), Long An và Bến Tre với hy vọng đòi lại tiền đã chuyển nhầm. Anh còn về cả địa chỉ của người nhận nhầm ở Giồng Trôm, Bến Tre nhưng không biết địa chỉ cụ thể, liên hệ công an địa phương thì được biết thông qua gia đình, người nhận nhầm tiền đã đi làm việc ở TP HCM, rất ít liên hệ về gia đình…
"Tôi đã nhờ công an ở Bến Tre hỗ trợ gọi người đã nhận nhầm số tiền ra gặp mặt nhưng họ vẫn không đồng ý ra gặp mặt. Tôi lại ngược về công an xã Đức Hòa Đông hỏi thì được thông báo hồ sơ trên huyện Đức Hòa, tôi tiếp tục lên công an huyện Đức Hòa xin thông tin vụ việc. Chờ hết tuần này đến tuần khác, giờ đã hơn 4 tháng. Đây là tiền công ty vay ngân hàng để hoạt động kinh doanh và hằng tháng vẫn phải trả lãi suất" – anh Tr. lo lắng.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để tìm hiểu về vụ việc, và nhận được phản hồi, rằng cơ quan công an đã liên hệ với người nhận tiền nhầm là ông Phạm Duy A. theo địa chỉ đăng ký thường trú nhưng gia đình thông báo người này không có ở địa phương nên không thể mời lên làm việc. Theo quy định, phải mời được người nhận tiền nhầm lên làm việc mới có thể xử lý vụ việc.
Phóng viên cũng liên hệ 2 ngân hàng nơi ông Tr. mở tài khoản để tìm hiểu về thủ tục, quy định trong trường hợp khách hàng bị chuyển nhầm tiền, và sẽ thông tin tiếp theo cho bạn đọc.