“Hiện nay tôi vẫn ôm nhiều mảnh đất khác, nhưng bán bớt 3 mảnh để lấy tiền trả nợ trước. Nói thật nếu không phải đi vay về mua từ khi giá đỉnh thì chắc chắn tôi không bán. Hiện các mảnh đất được rao bán giá đã giảm khoảng 30% so với lúc đỉnh. Nếu nhà đầu tư sẵn tiền mặt mua nắm giữ khoảng 3 - 5 năm khả năng sẽ lãi nhiều”, anh Phương nói.
Anh Phương cũng cho biết, thời điểm sốt, mới chỉ mua vài ngày các lô đất của anh đều được khách trả mua chênh từ 100 - 300 triệu đồng/lô. Tuy nhiên, nghĩ rằng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tích cực nên anh không bán.
“Lúc thị trường sốt ai cũng muốn mua được đất để kiếm lời, môi giới cũng giống vậy. Bây giờ khó khăn tài chính quá nên buộc phải bán. Trong khi đó, bất động sản nhà đầu tư khác gửi bán cũng vẫn đang còn rất nhiều”, anh Phương nói.
Theo anh Vũ Thanh Tùng, giám đốc sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, bản chất các sàn môi giới, doanh nghiệp cũng tương tự các nhà đầu tư cá nhân. Khi thị trường sôi động, tâm lý FOMO diễn ra phổ biến, mọi người đều sợ mất cơ hội “đổi đời”, nên ai cũng “ôm” tiền tham gia thị trường. Khi thị trường gặp khó, giá giảm, thanh khoản kém họ cũng đều phải tìm mọi cách xoay sở dòng tiền, trường hợp xấu nhất là phải bán tài sản đang nắm giữ.
“Có trường hợp tôi biết, chủ sàn môi giới ôm quá nhiều đất tỉnh, bây giờ khó thanh khoản, nếu bán sẽ phải giảm giá rất sâu. Theo đó, họ chấp nhận bán nhà phố tại Hà Nội, mua một căn chung cư nhỏ để ở, còn lại dùng tiền trả nợ ngân hàng. Họ chấp nhận phải đợi khoảng 3 - 5 năm nữa để giá đất về mức cũ so với thời điểm mua. Nói chung, vấn đề nằm ở yếu tố lòng tham trỗi dậy nên họ dùng đòn bẩy tài chính lớn. Song lãi suất tăng cao thị trường đột ngột trầm lắng, môi giới bất động sản cũng không kịp trở tay”, anh Tùng nói.
Mặc dù hiện nay lãi suất đã hạ nhiệt, song anh Tùng cho biết, tình trạng giảm giá bất động sản, đặc biệt là đất nền vẫn diễn ra rất nhiều. Bởi, tiền dự trữ trước đó của người mua cũng đã sử dụng hết để gồng lãi, hoặc dùng đòn bẩy tài chính quá lớn đến nay không thể xoay sở thêm.
Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thời gian qua, bất động sản đã trải qua nhiều cơn sốt đất liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định xuống tiền.
"Giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy lên quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng khó thanh khoản. Tuy nhiên, đến nay các bất động sản tăng giá ảo đã phải giảm mạnh trở về đúng bản chất", ông Đính nhận định.