Theo Tân Hoa Xã, từ năm 2005 – 2008, lăng mộ Tào Tháo ở khu vực thôn Tây Cao Huyệt đã liên tục bị trộm.
Một thanh kiếm rỉ sét trong lăng mộ Tào Tháo (ảnh: Xinhua)
Đồ trang sức bằng vàng và bạc trong lăng mộ (ảnh: Xinhua)
Năm 2008, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc phê duyệt kế hoạch khai quật lăng mộ ở thôn Tây Cao Huyệt. Ông Phan Vĩ Bân – chuyên gia thuộc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Nam – là người có vai trò lớn trong việc khai quật mộ Tào Tháo.
Sau khi mở lối đi vào mộ, nhóm khảo cổ phát hiện lăng mộ đã nhiều lần bị trộm đột nhập.
“Ngôi mộ bấy giờ rất lộn xộn”, ông Phan nói.
Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều mảnh gốm, đá bị đập vỡ trong lăng mộ. Những gói mì ăn liền, vỏ chai nước khoáng, thuốc lá, đèn pin… cũng bị kẻ trộm mộ bỏ lại. Nhóm khảo cổ xác định lăng mộ đã bị trộm ít nhất 7 lần.
Bước ngoặt đến vào ngày 11/11/2009, khi nhóm khảo cổ phát hiện một mảnh đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Đế thường dùng”. Khi ghép các mảnh đá vỡ, họ thu được tấm thẻ đá khắc chữ “cách hổ đại kích Ngụy Vũ Đế thường dùng”.
“Cách hổ đại kích” được cho là tên một cây kích của Tào Tháo. Tuy nhiên, nhóm khảo cổ không thu được cây “cách hổ đại kích” trong lăng mộ. Ngụy Vũ Đế là tên hiệu của Tào Tháo do con trai là Tào Phi truy tôn.
Theo News.cn, trong lăng mộ Tào Tháo có 3 bộ hài cốt, được xác định là một người đàn ông khoảng 60 tuổi và 2 người phụ nữ.
Các nhà khảo cổ cho rằng hài cốt của người đàn ông là Tào Tháo. Điểm đáng chú ý là xương mặt của bộ hài cốt này bị vỡ nát.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 250 di vật trong lăng mộ Tào Tháo, trong đó có nhiều đồ gốm sứ, bia đá, con dấu, mảnh áo giáp, vũ khí và một số đồ trang sức bằng vàng, bạc và ngọc. Đây chủ yếu là vật dụng hàng ngày của Tào Tháo, không hề được chế tác tinh xảo.
Theo các chuyên gia khảo cổ, mệnh lệnh mai táng đơn giản của Tào Tháo đã được con cháu tuân thủ.
“Nhiều di vật đã bị trộm mất, nhưng liệu trong đó có châu báu quý giá không? Tôi nghĩ là không”, chuyên gia Phan Vĩ Bân nói.
Kết quả cuộc khai quật kéo dài từ năm 2009 – 2017 cũng chỉ ra rằng, nhiều tấm bia, thẻ đá có khắc chữ “Ngụy vương” hay “Ngụy Vũ Đế” trong mộ Tào Tháo đều bị đập vỡ. Những tấm bia không khắc dòng chữ này thì còn nguyên vẹn.
Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo mở cửa đón khách (ảnh: Sohu)
Theo các nhà khảo cổ, lăng mộ của Tào Tháo từng bị phá hoại do trả thù chính trị. Đối với những kẻ trộm mộ, họ chỉ chú ý tìm kiếm di vật quý giá, thay vì phá hoại. Việc phá phách trong lăng mộ cũng thể hiện sự bất kính, là điều cấm kỵ trong giới trộm mộ.
Các nhà khảo cổ suy đoán, rất có thể gia tộc Tư Mã thời Tây Tấn đã phát hiện lăng mộ của Tào Tháo và cho người vào phá phách. Xương mặt bộ hài cốt của Tào Tháo bị hư hỏng có thể cũng do nguyên nhân này.
Ngày 27/4/2023, Bảo tàng lăng mộ Tào Tháo được mở cửa ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Các di vật khai quật trong lăng mộ Tào Tháo được trưng bày ở đây.
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên11617181920