Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô xung phong lên Kỳ Sơn dạy học. Thời điểm đó, qua tìm hiểu, cô được cho biết các trường THCS ở miền xuôi cơ bản đã đủ giáo viên, nhưng vùng cao biên giới đang thiếu thốn. Cô giáo trẻ muốn vừa được làm nghề, trải nghiệm, vừa muốn đem tâm huyết, cống hiến đến với trẻ vùng cao. Nhưng chính cô cũng không ngờ, những ngày đầu lại gian khổ, khó khăn vô cùng.
“Tôi được phân công nhận nhiệm vụ tại xã biên giới Mỹ Lý, từ thị trấn vào đến trường có 2 đường. Nếu đi đường bộ, phải thuê xe ôm mất nửa ngày mới tới nơi. Còn đi đường thủy lên thượng nguồn sông Nậm Nơn, thì phải mất cả ngày trời, với nhiều đoạn nước xiết, ghềnh nguy hiểm. Có những mùa đông, mỗi lần vào đến trường, tôi rét run cầm cập vì mưa lạnh, người ướt sung”, cô Nhung nhớ lại.
Những năm tháng ấy, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng cô Nguyễn Thị Nhung nhưng cô không nản chí, từ bỏ. Cô dạy học tại Trường Tiểu học Mỹ Lý 2, sau đó là Trường Tiểu học Na Loi, đều là vùng biên giới.
“Dạy học ở vùng sâu, vùng xa, cái quý nhất là tình cảm của học trò và bà con dân bản. Người còn nghèo khổ, nhưng thương và kính trọng thầy cô. Sẵn sàng tặng rau, củ, gạo và nhường cả ngôi nhà của mình để thầy cô ở. Chính tình cảm đó của bà con dân bản đã giữ chân tôi và nhiều đồng nghiệp khác từ xuôi lên núi dạy học”, cô trải lòng.
Cô giáo trẻ không ngừng cố gắng và phấn đấu, được bầu làm tổ trưởng chuyên môn, đạt danh hiệu như giáo viên dạy giỏi trường, giỏi huyện, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đồng nghiệp đánh giá cao.
Thời gian dạy học ở vùng cao Kỳ Sơn, cô Nhung lập gia đình, có 2 con nhỏ. Nhưng chồng đi làm xa, cô phải gửi con về huyện Hưng Nguyên cho bố mẹ chồng, cách xa nơi cô dạy học hơn 300km.
“Vất vả đến mấy tôi cũng không ngại, vì xung quanh học trò, phụ huynh còn vất vả, thiếu thốn hơn mình. Nhưng cảnh xa con, nỗi nhớ, day dứt vì không được ở bên con quãng đời ấu thơ khiến tôi luôn ám ảnh trong cả giấc mơ. Năm nào nghỉ hè xong, tôi lại quay lại trường chuẩn bị năm học mới, nhưng chưa 1 lần dẫn con đi khai giảng, đưa đón con đi học”, cô kể lại.
Hoàn cảnh khó khăn, cô Nguyễn Thị Nhung được tạo điều kiện chuyển về công tác tại Trường Tiểu học Hưng Đông, thành phố Vinh. Được về gần nhà, thuận lợi hơn, nhưng cô cũng gặp không ít áp lực. Bởi khi ấy cô đã 40 tuổi, dạy học ở thành phố phụ huynh có yêu cầu lớn hơn đối với giáo viên. Sỹ số học sinh mỗi lớp cũng đông hơn. Học sinh có nền tảng tốt, nhưng đổi lại mình không cố gắng, nâng cao năng lực chuyên môn thì sẽ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình dạy học.
Bắt đầu lại, cô càng cố gắng, tận tụy với nghề, nhiệt tình với học sinh. Tâm huyết của cô được đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường công nhận.
Cô Trần Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đông cho biết, cô Nguyễn Thị Nhung là giáo viên rất có trách nhiệm và ham học hỏi. Nhà cách trường gần 20km, nhưng nhiều hôm sau khi dạy xong, cô vẫn còn ở lại trường để rút kinh nghiệm cho các bài học đến muộn mới về. Đó cũng là lý do mà nhà trường yên tâm giao cô phụ trách lớp 1 trong năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018.
Giành giải Nhì giải thưởng “Gặp gỡ giáo viên lớp 1” chính là thành quả xứng đáng của cô Nhung là cũng là niềm vui, tự hào chung của nhà trường.