Trẻ vùng cao còn nhiều thiếu thốn, khó khăn hơn so với thành thị. |
Là một giáo viên, cô Hạnh hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của những học trò vùng sâu, vùng xa trong hành trình đến với con chữ đầy nhọc nhằn và gian nan. Thương nhất là những em nhỏ trong mùa đông giá lạnh vẫn phong phanh manh áo mỏng, mặt mũi tím tái, đôi chân trần tê buốt phải vượt qua cả quãng đường dài hun hút gió để đến trường. Thực tế đó đã thôi thúc những bước chân thiện nguyện trên những cung đường xa xôi, hiểm trở để mang hơi ấm tình thương đến với học trò ở các điểm trường như Yên Minh - Hà Giang, Sín Chéng - Lào Cai.
"Những đồ dùng thiết thực nhất đã được chuẩn bị chu đáo chẳng khác nào tấm lòng người mẹ lo cho con như áo ấm, chăn gối, sách vở, xe đạp, bánh, sữa… Nhìn những đôi mắt lấp lánh niềm vui cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trẻ thơ mà trong lòng chúng tôi cảm thấy ngập tràn hạnh phúc. Đó là động lực to lớn để những người làm từ thiện tiếp tục hành trình 'gieo nhân ái, gặt yêu thương' với những số phận kém may mắn" - cô Mỹ Hạnh tâm sự.
Công tác cùng trường với cô Hạnh đã nhiều năm, cô Phạm Thị Hường - Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phú Diễn bày tỏ niềm khâm phục, quý trọng trước tinh thần và những việc làm của người đồng nghiệp. Với bản tính thông minh, nhanh nhẹn, chịu khó, ham học hỏi, cô Lê Thị Mỹ Hạnh đã nhanh chóng hoà nhập và thích nghi với môi trường mới. Như một hạt giống tốt được gieo vào mảnh đất màu mỡ, cô đã phát huy được năng lực và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp "trồng người”.
"Hạnh là một người em, cô giáo dạy Hóa rất có tình thương người. Chính những lần chúng tôi được cùng tham gia, ủng hộ vào các chương trình từ thiện của nhóm từ thiện mới thấy được hết tâm huyết, sự nhiệt tình của cô để hướng đến những mảnh đời khó khăn. Đây thực sự là tấm gương đáng để cho mọi người học tập khi cô Hạnh vừa vững chuyên môn, lại tích cực tham gia công tác xã hội" - cô Hường nói.