Cô giáo mầm non may quần áo tặng trò nghèo

Phạm Quyên | 28/08/2022, 09:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều năm qua, cô giáo Trần Thị Châu trích tiền lương, xin quyên góp để mua dụng cụ học tập, đồ chơi… rồi tự tay may áo quần, đồng phục tặng trò nghèo.

Gói trọn yêu thương qua những tấm áo

Khi khai giảng cận kề cũng là lúc cô Trần Thị Châu (SN 1975, giáo viên Trường Mầm non A Xing, thuộc xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tất bật cắt may đồng phục. Cô mong may kịp để gửi tặng các học trò trước thềm năm học mới.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), tuổi thơ của cô Châu gắn liền với những ngày tháng sống túng thiếu từ miếng ăn đến cái mặc. Trưởng thành trong khó khăn ấy, cô Châu đã trở thành người luôn giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp tại Trường Công nhân kỹ thuật ở Quy Nhơn, cô Châu lên huyện miền núi Hướng Hóa nhận công tác tại thị trấn Khe Sanh. Đến đầu năm 1999 thì chuyển vào xã A Xing (nay là xã Lìa) nhận nhiệm vụ. Đây là địa bàn dân số chủ yếu là người đồng bào Pa Kô và Vân Kiều, với kinh tế chỉ dựa vào rẫy ngô, sắn nhỏ lẻ nên đời sống bà con rất khó khăn.

'Người đan áo' của trò nghèo dưới chân Đông Trường Sơn ảnh 1
Cô Châu cùng các học trò của mình.

“Ngày ngày đi làm, nhìn lũ trẻ trong bản chạy chơi đùa dưới các góc nhà sàn trên đôi chân trần và mặc những bộ áo quần rách rưới. Bữa cơm của con trẻ chỉ có sắn ăn với muối và rau rừng. Cũng bởi cái nghèo đeo bám nên ở đây việc học hành của các em chẳng mấy ai mặn mà quan tâm. Những hình ảnh đó cứ khiến mình day dứt khôn nguôi”, cô Châu nhớ lại.

Vào năm 2000, sau khi nên duyên và lập gia đình với thầy giáo Đỗ Xuân Thành – giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Xing, thì tình yêu với nghề gõ đầu trẻ của cô Châu càng thêm trỗi dậy.

Được sự động viên từ người bạn đời, vào năm 2002, cô Châu quyết định nghỉ việc, quay lại thành phố để theo học lớp sơ cấp sư phạm mầm non. Tháng 9/2002, sau khi hoàn thành khóa học, cô Châu trở về lại A Xing và dạy hợp đồng tại đây được 1 năm thì bị cắt hợp đồng. Thế nhưng, với nỗi nhớ nghề cùng tình yêu trẻ nhỏ nên cô Châu xin chính quyền địa phương mở lớp trông coi trẻ miễn phí tại nhà để chăm sóc, dạy bảo trẻ em trong bản, phụ giúp cha mẹ các em có thời gian đi làm nương rẫy.

Năm 2005, cô Châu xin đi dạy lại ở Trường Mầm non Tân Long (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa). Đây là trường nằm ở địa bàn thuận lợi hơn nơi trước cô công tác, thế nhưng những băn khoăn về học trò nghèo ở vùng Lìa đã khiến cô quyết định quay trở lại nơi đây.

Đến năm 2007, cô Châu chính thức được biên chế vào dạy tại Trường Mầm non A Xing. Mặc dù, rất nhiều lần được ưu tiên cơ hội chuyển về vùng thuận lợi, thế nhưng cô Châu vẫn quyết định cắm chốt ở ngôi trường vùng khó này và chẳng có ý định chuyển đi đâu nữa.

'Người đan áo' của trò nghèo dưới chân Đông Trường Sơn ảnh 2
Cô Châu trao tặng áo quần cho bà con dân bản.

Trong suốt gần 20 năm công tác, thấu cảm hoàn cảnh các học sinh ở đây, khi cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ mặc, cô Châu cùng chồng đã trích những đồng lương của mình rồi mua áo quần, đồ chơi, giày dép, cặp sách tặng học sinh. Bên cạnh đó, cô Châu cũng lặn lội khắp nơi tích cực kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ chăn màn, áo ấm, đồ dùng học tập, rồi hỗ trợ các bữa ăn cho trò, những suất quà nhu yếu phẩm tặng bà con dân bản…

Để chủ động có thêm nguồn áo quần cho học sinh trong trường, cô Châu đã mày mò học thêm nghề may mặc và dành dụm tiền mua một chiếc máy may. Rồi tự tay mua vải hay xin lại các bộ áo quần bị may lỗi từ các kho xưởng để cắt may lại áo quần, khẩu trang, các bộ trang phục truyền thống của người đồng bào Pa Kô, hay đồng phục cho học sinh. Không những vậy, tiệm may của cô Châu còn là nơi sửa áo quần miễn phí cho mọi người trong bản.

Nhờ những món quà, những bộ áo quần của vợ chồng cô Châu trao tặng, lũ trẻ trong bản được tiếp thêm niềm vui đến lớp, đến trường. Các phụ hunh cũng giảm đi phần nào những lo toan trong cuộc sống. Năm học 2022 – 2023 này, dự kiến học sinh của Trường Mầm non A Xing sẽ có hơn 50 bộ áo quần đồng phục do cô Châu may tặng.

“Tuy việc may vá chỉ có thể làm tranh thủ vào ban đêm và cần sự tỉ mẩn trong đường kim, mũi chỉ. Nhưng nhìn các em vui mừng đón nhận các món quà, rồi mân mê bộ áo quần mới khiến mình cũng vui lây và xem là động lực để vượt qua những vất vả ấy. Mình cũng chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để giúp cho các em và bà con ở đây nhiều hơn”, cô Châu chia sẻ.

'Người đan áo' của trò nghèo dưới chân Đông Trường Sơn ảnh 3
Đám trò nhỏ vui mừng đón nhận những món quà do cô Châu gửi tặng.

Tìm nguồn hỗ trợ bữa ăn cho trò

Theo cô Châu chia sẻ, điều khiến cô trăn trở, đau đáu hiện nay chính là các cháu thuộc lớp mẫu giáo bé (3 tuổi) và lớp trẻ (từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi) không có hỗ trợ chế độ ăn trưa. Gia đình các cháu còn nghèo khó, không có điều kiện để nộp tiền ăn cho con em mình nên phải mang cơm theo. Phụ huynh phải đưa đón về buổi trưa rồi chiều đưa đến lớp. Những cháu ở xa thì chỉ học nửa ngày bởi đường đi lại còn vất vả.

Mấy năm trước cô Châu có đi xin một số chương trình cho trẻ nhưng cũng không được bao nhiêu. Năm nay, cô Châu cũng tiếp tục cố gắng kết nối các tổ chức, nhà hảo tâm để xin hỗ trợ nhưng vẫn chưa có.

“Mình rất mong các tổ chức, đơn vị từ thiện khắp cả nước giúp đỡ cho học sinh trong Trường Mầm non A Xing có bữa cơm trưa để đến trường, được ăn uống đủ đầy, các em mới phát triển toàn diện và đi học chuyên cần”, cô Châu trình bày.

Nói về cô Trần Thị Châu, thầy Nguyễn Mai Trọng – một giáo viên đang công tác tại xã Lìa và từng gắn bó công tác với cô Châu nhiều năm - cho hay: “Cô Châu là một giáo viên có chuyên môn tốt và tận tâm với nghề. Bên cạnh đó, cô còn hết lòng giúp đỡ vật chất rồi kêu gọi, kết nối được nhiều nguồn hỗ trợ cho bà con dân bản cùng học sinh ở đây và được mọi người rất yêu mến, kính trọng. Những việc làm đầy tình người và có sức lan tỏa của cô Châu thật đáng khâm phục, là tấm gương cho các giáo viên vùng cao noi theo”.

Bài liên quan
Những chuyến đồng hành với trò nghèo miền biên ải
Những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào các huyện miền biên ải xứ Thanh có cuộc sống ổn định hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo mầm non may quần áo tặng trò nghèo