Cô giáo xứ Bắc dành trọn đời cho học trò vùng cao... xứ Nẫu

19/11/2023, 12:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sinh ra và lớn lên ở xứ nhãn lồng Hưng Yên, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Ngà, trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định lại dành cả cuộc đời dạy học của mình cho các thế hệ học sinh huyện vùng núi cao An Lão, tỉnh Bình Định.

Vì không có điện thắp sáng, tối đến, mỗi thầy, cô bên cạnh một chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu mazut để soạn bài. Sáng ra nhìn mặt ai cũng đen nhẻm vì muội dầu. Khó khăn là thế nhưng các thầy cô luôn động viên nhau rằng mình không khó khăn bằng các em và phụ huynh, người dân nơi đây. Nếu một học sinh nghỉ học buổi sáng thì buổi chiều thầy, cô sẽ không ngại đường núi xa xôi đã vào tận bản làng thăm hỏi gia đình và động viên em đến lớp.

Giúp học sinh miền núi học giỏi tiếng Việt

Cô Nguyễn Thị Ngà cho biết, tiếng Việt là một rào cản ngôn ngữ với các em học sinh vùng dân tộc thiểu số. Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất đối với học sinh người Kinh nhưng lại là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh vùng cao. Vốn Tiếng Việt của các em rất ít lại chưa chuẩn xác trong cách phát âm và sử dụng. Thêm nữa các em rất rụt rè, nhút nhát, thấy người lạ, thầy, cô là cúi mặt xuống hoặc nhìn đi chỗ khác, ngại giao tiếp…

Do số học sinh trong lớp đông mà lại chỉ có một giáo viên nên cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt giữa học sinh và giáo viên có hạn. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải có những kỹ năng cần thiết, linh hoạt sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh sử dụng thành thạo, có chất lượng bốn kỹ năng đọc, viết, nghe, nói tiếng Việt.

Trước tiên, theo cô Ngà, giáo viên phải tạo không khí thân mật, vui vẻ cởi mở với học sinh vì các em không thể mạnh dạn, tự tin trong môi trường gò bó thiếu thân thiện. Cô giáo cũng thường xuyên thăm hỏi để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, khả năng sử dụng Tiếng Việt của từng em để kịp thời có những phương pháp, biện pháp cụ thể giúp các em tiến bộ.

Bên cạnh đó, cô Ngà cũng phải luôn tự học và tham gia lớp học tiếng Bana, Hre… để ứng dụng vào những trường hợp cần thiết.

Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, nhất là học sinh mới vào lớp Một, làm sao để các em đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ là một vấn đề hết sức nan giải. Điều này khiến cô Ngà luôn tích cực nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp để viết các sáng kiến "Giúp học sinh lớp Một vùng dân tộc thiểu số học tốt phân môn Học vần", "Giáo viên chủ nhiệm với việc tổ chức dạy-học Tiếng Việt trong lớp ghép bậc tiểu học", "Rèn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho học sinh lớp Một vùng dân tộc thiểu số"... Những sáng kiến này đã được áp dụng có hiệu quả khi giúp học sinh bước đầu học tiếng Việt.

Ở vùng cao, các điểm trường xa, ít học sinh cho nên phải ghép hai nhóm trình độ thành một lớp. Một nhóm đã khó khăn bây giờ hai nhóm một lớp lại càng khó khăn hơn trong việc dạy và học vì phải truyền thụ cả hai lượng kiến thức khác nhau trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Cô đã học hỏi, nghiên cứu áp dụng thành công sáng kiến vào quá trình giảng dạy và rèn luyện học sinh lớp ghép.

Việc rèn đọc đúng để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh vùng cao là vô cùng cần thiết, góp phần giúp các em học tốt các môn học khác và là cơ sở để các em học có hiệu quả các lớp và các bậc học tiếp theo. Khi đứng lớp, cô Ngà rất chú trọngrèn luyện kĩ năng nghe cho học sinh, trong đó việc phát âm của giáo viên là yêu cầu quan trọng hàng đầu, bởi nghe có một vai trò hết sức quan trọng. Nếu nghe không tốt, học sinh không thể nhận dạng được âm, tiếng, từ, câu để phát âm lại, phải nghe và hiểu tốt mới có thể tiếp thu bài học và có thể giao tiếp bằng Tiếng Việt tốt được.

Khi điều kiện đã phát triển hơn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ và kĩ năng giao tiếp tiếng Việt của học sinh, cô thường xuyên trao đổi, phối hợp với giáo viên bộ môn (âm nhạc, mĩ thuật) tìm cách giúp đỡ kịp thời cho các học sinh còn hạn chế về năng lực diễn đạt tiếng Việt, chưa tự tin, ngại giao tiếp trong giờ học… Bên cạnh đó, cô Ngà cũng cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế bài giảng sinh động để thu hút được sự chú ý của học sinh, lôi cuốn các em vào bài học.

Với 32 năm công tác, một chặng đường đã cận kề với điểm dừng chân cuối của sự nghiệp giáo viên miền núi, cô Ngà tâm sự rằng nếu được lựa chọn lần nữa cô vẫn sẽ chọn nghề giáo – nghề nghiệp luôn được xã hội tôn vinh. "Tôi rất trân quý sự tôn vinh đó và luôn tâm niệm dù còn đứng trên bục giảng một ngày nào vẫn sẽ tiếp tục phát huy và cùng với đồng nghiệp góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp "trồng người", cô giáo miền xuôi đã dành cả cuộc đời cho nhiều lớp học trò miền núi chia sẻ.

Với những nỗ lực lớn trong công tác giảng dạy, cô Nguyễn Thị Ngà đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UNND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định. Cô cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong thực hiện "Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng Dân tộc thiểu số" giai đoạn 2016-2020.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/co-giao-xu-bac-danh-tron-doi-cho-hoc-tro-vung-cao-xu-nau-102231119084250639.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/co-giao-xu-bac-danh-tron-doi-cho-hoc-tro-vung-cao-xu-nau-102231119084250639.htm
Bài liên quan
Chuyển mình trở thành người thầy 4.0
Năm học 2024 - 2025 đánh dấu năm thứ 2 ngành GD TPHCM tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quản lý và giảng dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo xứ Bắc dành trọn đời cho học trò vùng cao... xứ Nẫu