Trước đó, trong kế hoạch tuyển sinh năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng giao 5.300 chỉ tiêu với 121 lớp cho các trường ngoài công lập, lớp tiên tiến, Trường TH School Vinh. Đây cũng được xem là giải pháp để tạo thuận lợi, giúp học sinh không vào trường công lập có cơ hội tiếp tục học chương trình THPT bình thường.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP. Vinh có khoảng thời gian dài việc tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng gần đây, mỗi năm Trung tâm có hơn 500 học sinh đăng ký nhập học theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT (lớp 12) hàng năm của trường đều đạt trên 98%.
Học sinh của trung tâm bên cạnh học văn hóa thì còn được học chứng chỉ nghề sơ cấp. Ngoài ra, nếu học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học lấy bằng trung cấp nghề theo liên kết của trung tâm với trường nghề. Theo bà Đặng Thị Tú Linh – Giám đốc Trung tâm, nếu không đậu vào các trường công lập, cơ hội vẫn còn mở ra rất nhiều với các học sinh. Trung tâm GGNN-GDTX hoặc trường nghề đều tạo môi trường tốt để các em phát triển nếu nỗ lực và có thái độ học tập, rèn luyện tích cực.
“Với mô hình vừa học văn hóa, vừa học nghề có ưu điểm là các em được học nghề miễn phí, được giảm các môn văn hóa. Sau này kết thúc lớp 12, các em được thi tốt nghiệp, có quyền lợi như tất cả học sinh ở các trường công lập và có thể nhận song song bằng văn hóa và chứng chỉ hoặc bằng trung cấp nghề. Sau tốt nghiệp, các em có thể đi làm luôn hoặc tiếp tục học cao hơn ở các trường CĐ, ĐH nếu có năng lực và nguyện vọng”, bà Đặng Thị Tú Linh nói.
Học sinh học nghề nấu ăn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Nghệ An). Ảnh: NTCC. |
Hiện nay, mô hình vừa học nghề, vừa học văn hóa ở Nghệ An khá phổ biến tại các Trung tâm GDNN-GDTX, trường Trung cấp, Cao đẳng nghề. Một số trường THPT ngoài công lập cũng liên kết với trường nghề để đào tạo cho học sinh theo nhu cầu và đăng ký.
Với các mô hình này, học sinh có thể đăng ký học nghề theo 3 hướng. Thứ nhất, vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa trung học phổ thông với 4 - 6 môn; sau khi có bằng trung cấp nghề và hoàn thành chương trình văn hóa, các em sẽ được học tiếp liên thông lên trình độ cao đẳng. Thứ hai, vừa học nghề, vừa học chương trình văn hóa THPT và thi tốt nghiệp chung với học sinh toàn tỉnh; sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh có thể dùng điểm thi xét tuyển vào trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng. Thứ ba, chỉ học trung cấp nghề.
Ông Lương Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết: “Tâm lý chung của nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn là vẫn muốn có bằng tốt nghiệp THPT. Đây là nguyện vọng và nhu cầu chính đáng, vì vậy nhà trường tạo mọi điều kiện để các em được học văn hóa song song với học nghề. Ở trường chúng tôi học sinh được miễn hoàn toàn học phí. Trường cũng phối hợp với Trung tâm GDTX trong dạy học văn hóa để đảm bảo kiến thức, điều kiện cho học sinh dự thi, được cấp bằng tốt nghiệp THPT bình thường”.
Cũng theo ông Lương Anh Tuấn, điều đáng mừng là học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đều có doanh nghiệp đến tuyển dụng, và có cơ hội xuất khẩu lao động. Trường hợp học sinh muốn được đào tạo cao hơn có thể học liên thông thêm 1 năm là có bằng cao đẳng. Điều này xóa bỏ tâm lý lo lắng, tạo sự an tâm cho học sinh khi đến trường nghề vẫn có đầy đủ cơ hội phát triển theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.