Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tại Hội thảo. |
Theo đại diện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân thiếu giáo viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, chế xuất… làm trường lớp tăng, học sinh tăng dẫn đến thiếu giáo viên. Bên cạnh đó là chế độ chính sách, tiền lương của giáo viên.
Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết thêm, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất sửa đổi các Thông tư quy định về số lượng người làm việc, định mức biên chế. Theo hướng tính tỷ lệ giáo viên/học sinh và theo vùng miền.
“Các Thông tư 06 và 16 trong thời gian trước không tính theo vùng miền mà chỉ tính 'cào bằng' chung trên toàn quốc. Vì thế sẽ gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện các định hướng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ trình Chính phủ bổ sung gần 66.000 biên chế. Trong đó, năm học 2022-2023 là 27.850 biên chế. Vấn đề này, Cục Nhà giáo tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT có văn bản gửi địa phương đề nghị tuyển dụng hết giáo viên đã được giao.
“Ngoài ra, tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét trình Chính phủ đề xuất về mức lương, chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, đối với giáo viên mới ra trường đề xuất thẳng vào bậc 2 bỏ qua bậc 1. Mục đích để giải quyết khó khăn cho giáo viên ra trường.
Cạnh đó, đối với giáo viên hợp đồng đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Điều này giữ đội ngũ nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có ý kiến tại cuộc họp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội và họp Chính phủ là điều chỉnh phụ cấp cho giáo viên mầm non. Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để chúng ta giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đáp ứng được tiêu chí Nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Kết luận tại hội thảo, PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho hay, các ý kiến tham luận của đại diện các Sở GD&ĐT đã nêu ra đúng những khó khăn mà chúng ta đang đối mặt. “Trong những khó khăn này có những khó khăn bao trùm chung cả hệ thống, tuy nhiên cũng có khó khăn mang tính chất từng địa phương như thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên mầm non…”, ông Trinh chia sẻ.
Đại diện Vụ Cơ sở vật chất cũng cho biết thêm, cạnh đó, các Sở GD&ĐT tỉnh, thành cũng chia sẻ những giải pháp trong đó những giải pháp mang tính chất bao trùm có thể kế thừa. Đó là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự chủ động tham mưu đề xuất của ngành Giáo dục các tỉnh, thành. Ngoài ra, có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị…
PGS.TS Mai Văn Trinh – Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) giải đáp các thắc mắc tại Hội thảo. |
“Nhưng đầu tiên là vấn đề về nhận thức từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Đó là sự nhận thức của lãnh đạo và đặc biệt là nhận thức của những người thực thi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhận thức của những người trong ngành Giáo dục là xây dựng nông thôn mới, đó là cơ hội vàng trong ngành Giáo dục đặt trong bối cảnh chung của các tiêu chí khác đồng bộ trong chương trình. Bây giờ nguồn lực đầu tư cho giáo dục là nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Trinh nhấn mạnh.
Từ nhận thức này, chúng ta phải chuyển hóa thành hành động. Cụ thể, nghiên cứu các hệ thống văn bản, để trên cơ sở đó tham mưu xây dựng kế hoạch mang tính khả thi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng địa phương, kế hoạch hằng năm, trung hạn cho việc xây dựng nông thôn mới trong ngành Giáo dục.
Đồng thời, trong kế hoạch phải dự toán kinh phí, để HĐND các tỉnh, thành có Nghị quyết về nguồn lực kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia cộng các chương trình khác để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
“Phải có tầm nhìn xa, hiện các tỉnh, thành đều làm quy hoạch, trong đó chúng ta phải lưu ý phát triển mạng lưới giáo dục địa phương. Nhất là vùng thành phố, khu công nghiệp, phải có quỹ đất cho giáo dục. Tiếp tục tuyên truyền với quan điểm đi vào thực chất, tránh bệnh thành tích. Cạnh đó là công tác quản lý, kế hoạch, chỉ đạo kiểm tra”, ông Trinh lưu ý.