Dù không làm chết giun sán, nhưng việc ngâm rau với nước muối loãng vẫn có những tác dụng nhất định chứ không phải không mang lợi ích gì. Tuy nhiên, do cách thực hành sai nên việc sử dụng nước muối rửa rau trở nên vô nghĩa.
Vị chuyên gia hướng dẫn với các loại rau trên cạn như xà lách, rau mùi, các loại rau húng… tốt nhất nên rửa dưới vòi nước chảy để trứng giun sán (nếu có) trôi đi. Bước tiếp theo sau khi rửa là ngâm rau với nước muối, dưới tác dụng của nước muối trứng giun sán sẽ nổi lên và trước khi vớt rau phải dìm rau xuống, đổ nước đi, như vậy trứng giun sán sẽ trôi theo nước.
"Đa số người dân khi ngâm rau với nước muối xong sẽ vớt trực tiếp lên khi chưa đổ nước, như vậy trứng giun sán nếu có nổi lên sẽ bám lại vào rau, ăn vào có thể gây bệnh", bác sĩ Thọ chỉ ra cách làm sai của nhiều người.
Ăn rau củ quả thế nào mới đúng cách?
Các chuyên gia khuyên rằng, dù ngâm rau với nước muối hay rửa dưới vòi nước đều chỉ có tác dụng nhất định trong việc phòng giun sán, các chuyên gia khuyên mọi người tốt nhất không ăn rau sống, nên ăn chín uống sôi.
Đặc biệt, với một số loại như rau muống chẻ, rau ngổ, thì tuyệt đối không ăn tái sống, rửa hay ngâm bất cứ thứ gì thì sán cũng không hết được vì chúng sống ở trong thân rau.
Nhiều người đi ăn quán ăn bún phở hay ăn lẩu cần chú ý, việc nhúng rau qua nước nóng chứ chưa sôi hẳn, không thể diệt được giun sán. Giun sán chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100 độ C và tốt nhất để sôi 3-5 phút.
Bác sĩ Thọ khuyến cáo, bệnh do ký sinh trùng ít gây nguy hiểm tính mạng nhưng xâm nhập vào cơ thể lâu ngày sẽ lấy chất dinh dưỡng khiến trẻ em kém phát triển, người lớn hấp thu kém, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi là cách phòng chống ký sinh trùng tốt nhất.