Các lớp học tại điểm trường thôn Cờ Tẩu nơi cô Mai Thị Yến công tác được mượn tạm từ nhà văn hóa thôn. |
Đóng góp vào quá trình đổi mới giáo dục, phát triển đất nước, không thể không kể đến công lao của đội ngũ giáo viên cắm bản. Có người thầy, người cô dành trọn thanh xuân, trí tuệ của mình cho vùng khó, biên giới xa xôi. Trong quãng thời gian “cõng chữ lên ngàn”, những câu chuyện về tình đồng nghiệp, thầy trò và cả nỗi gian truân thành ký ức neo đậu trong tâm khảm mỗi người.
Kể về quãng thời gian cắm bản, gieo chữ, thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) nhớ lại: “Tháng 9/1992, tôi được phân công về huyện Quan Hóa nhận công tác tại Trường PTCS Trung Lý. Ngày ấy, với sức trẻ đầy nhiệt huyết, tinh thần lạc quan, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Ban giám hiệu phân công tôi và thầy Đỗ Quang Bằng về các bản của xã Trung Lý, để vận động trẻ em người Mông ra lớp. Trung Lý nổi tiếng với câu ‘nhất Trung Lý, nhì Trung Sơn’, bởi lẽ đã có nhiều người bỏ mạng ở đây vì sốt rét. Có thời điểm, người chết vì sốt rét trong xã lên đến hàng trăm. Trước thời điểm chúng tôi lên chừng nửa tháng, thầy Đỗ Xuân Thơm là Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Trung Lý đã không qua khỏi vì sốt rét”.
Khi nhắc đến thầy Đỗ Quang Bằng, nhà giáo Đặng Xuân Viên dường như “chạm” phải ký ức buồn thương không thể quên. Bởi, lúc lên nhận công tác, cả hai người cùng đi. Nhưng vừa lên đến trường được ba ngày, thầy Viên bị sốt rét và viêm cơ tay. Cánh tay phù to như cái phích, nên phải xuống Bệnh viện huyện Quan Hóa điều trị.
Vượt qua thử thách đầu tiên, thầy Bằng cùng một đồng nghiệp nữa được phân công vào bản Tài Chánh (xã Mường Lý, Mường Lát ngày nay) để dạy lớp 1 và lớp ghép 2, 3. Các thầy phải đi bộ gần 45 cây số đường rừng, từ bản Táo - điểm trường chính của Trường PTCS Trung Lý để đến bản Tài Chánh.
Khi thầy Bằng và đồng nghiệp về điểm trường lẻ, được bà con ở bản dựng cho 2 gian nhà tạm, vách nứa, lợp lá cọ để làm lớp học và nơi ở. Ổn định điểm trường xong, các thầy lại men theo lối mòn, xuyên rừng, vượt suối về điểm trường chính nhận sách giáo khoa, đồ dùng học tập, phấn, bảng, vở viết cho học sinh.
“Sáng 22/9/1992, thầy Bằng cùng thầy Lê Văn Duẩn, Nguyễn Văn Đông mỗi người cõng trên lưng khoảng 20 kg sách giáo khoa, phấn, bảng con, vở viết trở lại điểm lẻ. Thời điểm đó đang mùa mưa bão, nước sông Mã rất to, dòng sông hẹp, sâu và chảy xiết. Ba thầy giáo cùng ông lái đò trên một chiếc thuyền độc mộc vượt sông tại bến đò Cò Cài - Tài Chánh.
Thuyền ra gần giữa dòng, sóng to khiến người và hành lý đều bị ướt. Bảo vệ đồng nghiệp và đồ dùng học tập cho học sinh, thầy Bằng đã không sợ nguy hiểm nhảy xuống dòng nước xiết để đẩy thuyền. Thế nhưng, dòng nước cuồn cuộn đã cuốn trôi thầy giáo trẻ. Tới ngày 11/10/1992, thi thể thầy Bằng mới được phát hiện. Người dân và đồng nghiệp đã lo việc hậu sự cho thầy. Sau này, khi có điều kiện, gia đình mới đưa thầy về quê nhà”, thầy Viên kể, hai khóe mắt đỏ hoe.
Cảm thương sự ra đi của thầy Bằng, đồng nghiệp đã làm hồ sơ, gửi tới các cơ quan chức năng với mong mỏi Nhà nước có chính sách ghi công cho thầy và những giáo viên đã nằm lại ở vùng rừng sâu, núi thẳm. Thế nhưng, đến bây giờ, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.